Thursday, August 22, 2013

Có bao nhiêu chùa Hang?

(Amazingvietnam) - Có lẽ chùa Hang là tên chùa xuất hiện nhiều nhất tại Việt Nam! Từ Bắc chí Nam đều có.
Dễ hiểu thôi, người tu hành thường tìm nơi vắng vẻ hẻo lánh để tu tập, nên thường đến các hang động. Các hang ấy trờ thành chùa, và vì thế nên gọi là chùa Hang. Xem nào, từ Bắc vô Nam có không dưới chục ngôi chùa Hang (đó là chỉ xét những ngôi chùa khá lớn, được nhiều người biết.

1. Chùa Hang ở Thái Nguyên

Chùa Hang là thắng cảnh thuộc thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, chùa Hang cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 2 km về phía Tây Bắc, theo hướng quốc lộ 1B (tuyến Thái Nguyên - Lạng Sơn).

Chùa Hang (động Tiên Lữ) là một hang lớn nằm trong lòng núi đá, trong lòng hang có những nhũ đá lớn, được đặt tên như: cột trụ chống trời, bụt mọc, hổ chầu, voi phục. Năm 1859, danh sĩ Cao Bá Quát khi qua đất Thái Nguyên có du ngoạn đến chùa Hang và sáng tác bài thơ nổi tiếng Du Tiên Lữ động.

Hiện nay trên vách của hang còn câu đối chữ Hán:
Phong cảnh thiên nhiên duy đệ nhất,
Danh lam nhân tạo thị vô song.
(Phong cảnh thiên nhiên đẹp vào bậc nhất, danh lam do con người tạo ra cũng không kém)

2. Chùa Hang ở Tuyên Quang

Chùa Hương Nghiêm hay còn gọi là chùa Hang ở dưới chân núi Hương Nghiêm thuộc xóm Phúc Thọ, xã An Khang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Chùa Hương Nghiêm được xây dựng vào thời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), niên hiệu Đại Chính thứ 8 (năm 1537) tại thôn Thúc Thủy, xã Thúc Thủy, tổng Thường Túc. Nay là thôn Phúc Thọ, xã An Khang.

Ngôi chùa được xây dựng từ sáng kiến của hai vị quan hiến sát là Ngô Thọ Khê và Vũ Trạch Xuyên. Chùa Hương Nghiêm nằm trong hang đá tự nhiên với 2 mái vòm đá và nhiều nhũ đá rủ xuống đủ mọi hình thù. Đặc biệt có nhũ đá hình cổ thụ, tạo cho hang đá một vẻ đẹp kỳ thú, bí ẩn.

Trước cửa chùa Hương Nghiêm có một tấm bia cổ được khắc trên vách đá ngày 27 tháng 2 niên hiệu Đại Chính thứ 8 đời Thái Tông Mạc Đăng Doanh (năm 1537). Có chiều cao 1,25m, chiều rộng 1m. Tấm bia gồm 2 phần trán bia và thân bia, trên trán bia có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh bia được chạm văn dây đơn giản. Dưới trán bia là 4 chữ đại tự: Hương Nghiêm tự bi.

3. Chùa Hang ở Yên Bái

Chùa có tên chữ là Hương Thảo tự, Hương tên chữ là Hương Núi, Thảo có nghĩa là Thảo mộc, với ý nghĩa:” Mùi thơm của các loài cây nơi núi cao”.

Chùa Hang tọa lạc tại làng Úc, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Chùa được xây dựng trong một hang núi thiên nhiên khá đẹp. Hang nằm ở lưng chừng núi Thâm Then (núi Chùa), cao khoảng 60m. Lòng hang dài 23m, cửa hang cao 11m mở về phía Nam, trông ra sông Chảy.

4. Chùa Hang ở Quảng Ngãi

Chùa Hang thuộc xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang động lớn nhất trên đảo Lý Sơn. Muốn đến chùa phải men theo con đường độc đạo cheo leo vách núi sát mép biển lên cao dần rồi xuống hơn 40 bậc mới đến được.

Hang: Hang đá này được tạo thành từ một vách đá dựng đứng, cao gần 20m ở ngọn núi Thới Lới, do bị nước biển xâm thực trong thời kỳ biển tiến. Hang có bề ngang 30m, ăn sâu trên 25m vào núi theo kiểu hàm ếch ngoài cửa cao 15 m, thấp dần vào phía trong. Trong hang có những phiến đá to được dùng làm ghế và giường rất tiện lợi. Trước cửa hang là những cây bàng phễu cổ thụ, cành lá xum xuê. Hai bên hang có giếng, xung quanh cây cối xanh tươi.

5. Chùa Hang ở Bình Định

Chùa Hang thuộc địa phận thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hoà, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Chùa còn có tên chữ là Thạch Cốc Tự, Thiên Sanh Thạch Tự.

Đây là danh thắng nổi tiếng với cảnh trí thiên nhiên thanh tú. Chùa vốn là hang động thiên nhiên có chu vi 76 m, hang nằm ở lưng chừng núi, mặt hướng về phía Ðông và có đường thông lên núi và ra biển.

6. Chùa Hang ở Phú Yên

Chùa Hang nằm trên sườn phía Tây, trên đỉnh núi Chóp Dài, thuộc xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.

Chùa Hang gọi là chùa nhưng kiến trúc không theo lối thông thường vách xây mái lợp mà được thiên nhiên cấu tạo sẵn, gồm những tảng đá to dựng thẳng đứng tạo thành vách và mái che rất kín đáo; phía ngoài cửa vào chùa có hai tảng đá nhoài ra với mái che bằng phẳng như một hành lang trước khi bước vào chánh điện. Vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, thiền sư Pháp Tạng, một nhánh của phái Thiền Lâm Tế đến ẩn tu và đắc đạo. Sau này các vị sư trụ trì kế thừa nghiệp tổ gọi chùa này là chùa Tổ, còn dân gian vẫn gọi là chùa Hang.

7. Chùa Hang ở Khánh Hòa

Từ Trung tâm thành phố Nha Trang đi theo con đường 2/4 về hướng Bắc khoảng 2 km sẽ đến Tháp Bà. Đi theo con đường chạy dọc phía sau lưng Tháp Bà, sừng sững trên triền núi xanh, chùa Hải Ấn nổi bật lên với tường màu vàng nhạt và những vòm mái cong cong màu đỏ.

Chùa Hải Ấn thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Dân quanh vùng thường gọi bằng hai tiếng thân quen đầy cung kính: Chùa Hang. Bởi vì trong chùa có một cái hang ăn sâu lên trên đỉnh núi.

8. Chùa Hang ở Bình Thuận

Chùa Hang còn gọi là Cổ Thạch tự, chùa Đá Cổ...  thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 100 km về hướng Đông. Chùa tọa lạc trong một hang động trên đồi núi Cổ Thạch cao trên 64 m.

Chùa là điểm hành hương và cũng là điểm tham quan của tỉnh Bình Thuận. Chùa có hơn 100 năm tuổi, là một di tích, thắng cảnh cấp quốc gia được công nhận vào năm 1993. Khu vực chùa Cổ Thạch là một quần thể kiến trúc, am, điện, cốc liên hoàn với nhau trên khu đồi đá rộng hơn 4 ha. Chính điện chùa nằm giữa những tảng đá to dựng đứng, sừng sững trông rất hoành tráng, ấn tượng. Kế đó là các nhà thiền, từ đường, nhà tổ, gác chuông, lầu trống, am cốc thờ tự, lúc nào cũng ngan ngát khói hương.

9. Chùa Hang ở An Giang

Ngôi chùa có tên chữ là Phước Điền, tọa lạc trên triền núi Sam, thuộc địa phận khóm Vĩnh Tây I, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Nhân dân quen gọi là chùa Hang vì chùa vốn được xây dựng trong một hang đá thiên nhiên. Đây là một quần thể di tích kiến trúc đẹp, có các hang đá thiên nhiên với nhiều huyền thoại hấp dẫn. Mặc dù nằm riêng lẻ trên triền phía Tây núi Sam, cách cụm di tích chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu khoảng một cây số nhưng chùa Hang vẫn được du khách, người hành hương tấp nập đến viếng. Năm 1980, chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

10. Chùa Hang ở Kiên Giang

Chùa Hang còn có tên là Hải Sơn Tự, là một ngôi chùa cổ nằm trong hang đá sâu khoảng 40 m, thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Nằm trong quần thể bao gồm nhiều danh thắng như núi Hòn Chông, đảo Hòn Phụ Tử, hang Giếng Tiên, chùa Hang là một địa điểm không thể bỏ qua khi bạn đến xứ này. Hàng năm, chùa Hang tổ chức lễ hội long trọng từ ngày 8 đến ngày 15 tháng Tư âm lịch.

Gọi là chùa Hang vì đây là ngôi Phật điện nằm trong hang núi đá vôi. Nhìn bên ngoài, ngọn núi không có gì đặc biệt, nhưng trong lòng núi là một động đá vôi thẳng theo trục Đông Bắc - Tây Nam, chiều dài hơn 50 m, cửa động nhìn ra biển. Hang do đá vôi bị xâm thực tạo thành cách đây hơn 1000 năm. Động cao cỡ trần nhà nhưng do chiều dài nên trong động thiếu ánh sáng, ở giữa động tối như màn đêm.

Sơ sơ, ta thấy ở Việt Nam có trên chục ngôi chùa Hang. Vậy nhưng trong danh sách kê trên còn thiếu một ngôi chùa Hang khá nổi tiếng.

Ngôi chùa Hang này rất đặc biệt. Như các bạn đã thấy trong danh sách nêu trên, đã gọi là chùa Hang tất nhiên phải là ngôi chùa ở trong hang, hoặc trong khuôn viên chùa có hang động.
Thế nhưng ngôi chùa Hang đặc biệt này không hề có bất cứ hang hốc nào cả. Đó là ngôi chùa Hang nào, ở đâu vậy?

Chùa 'Hang' Kom Pong Chray

Đây chính là chùa Kom Pong Chray, một trong số 141 ngôi chùa Phật giáo Nam Tông cổ kính của đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh, toạ lạc tại khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, cách TP Trà Vinh khoảng 6 km theo Quốc lộ 54.

Kom Pong Chray tiếng Khmer còn có nghĩa là bến cây đa. Đó cũng chính là địa danh nơi này lúc chùa mới xây dựng năm 1637 trên khuôn viên 7 ha cặp rạch nước Tầm Phương.
Chùa Kom Pong Chray có một cổng phụ ở hướng Tây xây theo kiểu mái vòm. Từ Quốc lộ 54 nhìn vào cổng chùa trông giống như một cái hang, nên chùa còn được người Trà Vinh gọi với tên quen thuộc chùa Hang.
Xem thêm >

Theo Phạm Hoài Nhân (Amazingvietnam.vn)
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment