Saturday, August 3, 2013

Viếng chùa Du Anh ở Thanh Hóa

(CTTĐT Vĩnh Lộc) - Từ thành phố Thanh Hóa, nếu theo Quốc lộ 45 về phía Tây khoảng 40km: ta sẽ đến với di tích - thắng cảnh cấp Quốc gia là chùa Du Anh cổ kính uy nghiêm và động Hồ Công kỳ bí. 

Chùa Du Anh còn có tên gọi là chùa Thông nằm dưới chân núi Xuân Đài. Tương truyền, công chúa Du Anh (thời Trần) đã về đây tu ẩn nên chùa được gọi là chùa Du Anh.
Chùa được khởi dựng vào thời Lý. Qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đến triều đại nhà Trần, ngôi chùa lại gắn với tích vua Trần Nghệ Tông đưa công chúa Du Anh về lễ chùa, thưởng ngoạn...

Khi đến đây thấy cảnh trí sơn thủy hữu tình, Nhà vua đã phát tâm công đức cho sửa chùa, đắp tượng hương khói quanh năm, từ đó chùa được mang tên gọi là chùa Du Anh (theo cuốn chùa xứ Thanh tập 1 trang 59).

Đầu niên hiệu Hoằng Định, thời Lê Trung Hưng (1601- 1619), có ngài Trịnh Vĩnh Lộc người xã Sáo Sơn, huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Thiên (nay thuộc xã Vĩnh Hùng huyện Vĩnh Lộc) đã được phong Tuyên lực Công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Đô đốc phủ, Đô đốc đồng tri, tước Quảng quận công đã xuất tiền tôn tạo lại ngôi chùa, từ 1601 đến năm 1605 thì làm xong. Do vậy, chùa mang đậm phong cách kiến trúc nhà Lê.

Ngôi chùa được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, cảnh trí hữu tình, lấy núi Xuân Đài làm hậu chẩm, núi Trác Phong làm tiền án. Xưa kia, bên tả chùa có gác Ngọc Hoàng, bên hữu chùa có am Công chúa. Hai bên hông chùa lại có hai hồ nước Nhật, Nguyệt do thiên nhiên tạo thành, bốn mùa nước trong vắt nhìn xuống tận đáy.

Trong chùa, các tượng Phật được bài trí hợp lý, toát lên vẻ uy nghiêm, linh thiêng. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ tượng hai linh vật là voi và sư tử thời Trần bằng đá trắng nguyên khối, trên bệ đá có khắc hình hộp, hoa văn sóng nước; một tấm bia ký và bài minh do Thượng thư Phùng Khắc Khoan soạn năm Hoằng Định thứ 6 (1605). Bia đá thuộc nhóm bia hộp được tạc từ mỏm đá nguyên khối cao 2,5m, cả 4 mặt đều khắc chữ Hán. Trong đó, mặt trước khắc “Trùng tu Xuân Đài sơn, Hồ Công động, Du Anh tự bi”, mặt sau khắc “Ngày lành tháng 10 niên hiệu Hoằng Định thứ 6 (1605)” với nội dung kể tên các bậc vua, chúa, hoàng thân quốc thích, quan lại trong triều đã góp của trùng tu chùa. Bên trong chùa Du Anh, các tượng phật được bài trí hợp lý toát lên vẻ uy nghiêm mà gần gũi của đạo phật.

Hàng năm, vào ngày mùng 9 tháng Giêng, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội chùa Du Anh nhằm ghi nhớ ngày Ngọc Hoàng giáng thế (9/1), vua Lê Thánh Tông về thăm động Hồ Công (mùng 9 tháng Giêng năm Hồng Đức thứ 7 (1476)) và có làm bài thơ khắc trên vách động, đồng thời cầu một năm mưa thuận gió hòa.

Từ chùa Du Anh, theo lối mòn chân núi chếch về hướng Đông Nam là thắng tích động Hồ Công. Động Hồ Công có chiều dài 45m rộng 23m, cửa mở rộng luôn sẵn sàng đón khách trần lên chơi cõi tiên.

Động Hồ Công được người xưa liệt vào “Tam thập lục động, Hồ Công vị đệ nhất” nghĩa là động Hồ Công được liệt vào 36 động đẹp của nước Nam. Theo sách Đại Nam nhất thống chí mô tả: “Có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu ngồi trong động, thạch nhũ trong động sắc đỏ lại có hang đá quanh co dài mười trượng, chỗ tận cùng có giếng đá sâu khôn cùng…”.

Chính sự kỳ công của tạo hóa mà Hoàng đế Lê Thánh Tông phải thốt lên “Thần chùy quỷ tạc vạn trùng san” nghĩa là: Động Hồ Công, vẻ đẹp như có quỷ thần soi tạc nên.
Xem thêm >

Du lịch, GO! - Theo Cổng TTĐT huyện Vĩnh Lộc, ảnh Soha.vn + Tocnguyenxuan.org

Động Hồ Công: Bút tích vua chúa ở hang động kỳ bí

0 comments:

Post a Comment