Saturday, March 1, 2014

Homestay ở Bản Dọi.

Bản Dọi thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, nằm cách trung tâm thị trấn nông trường Mộc Châu 30km về phía đông bắc.

< Đồi chè Tân Lạp gần bản Dọi.

Từ thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) đi theo con đường dẫn về xã Tân Lập khoảng 20km đến ngã ba Pa Khen rồi rẽ phải đi thêm chừng 7km nữa là đến bản Dọi: bản của người dân tộc Thái với khoảng gần 293 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng chè và chăn nuôi bò sữa.
Ai đó đã từng đến cao nguyên Mộc Châu, tận hưởng không khí mát lành, cảnh đẹp tự nhiên và khám phá những điều khác lạ, hấp dẫn của cộng đồng vùng cao Tây Bắc thì ở bản Dọi, vẻ đẹp và những nét hấp dẫn ấy dường như vẫn  còn nguyên vẹn.

Ði qua những đồi chè bạt ngàn, rừng mận kéo dài đến tận chân núi và những con đèo quanh co uốn khúc để đến nơi đây mới thực sự thấy và hiểu vì sao bản Dọi lại được nhiều người quan tâm đến thế.

Đến với bản Dọi, du khách có dịp cùng với người dân địa phương vào bếp làm quen và học nấu những món ăn truyền thống của người dân tộc Thái với nguyên liệu có sẵn trong vườn. Khi các món ăn đã được bày lên mâm, chủ khách cùng vui vẻ thưởng thức và xem các chương trình văn nghệ do dân bản biểu diễn.

Ngoài ra, khách còn có thể trải nghiệm các sinh hoạt đời thường cùng người dân địa phương như: lên rừng hái lá thuốc, hái chè; leo núi; chăm sóc bò sữa; xuống suối bắt cá hoặc ghé thăm các điểm du lịch lân cận như: hang động mộ táng Trung Xá, Phây Đón để tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa cộng đồng của cư dân vùng đất này.

Thậm chí có thể cùng khách leo qua 3 con dốc để đến với những bản người Mường, người Dao lân cận phía bên hông núi.

Theo như người già kể lại: Người Xá (dân tộc Khơ Mú ngày nay) và người Thái cùng ở trên mảnh đất Mộc Châu. Người Xá bắn tên rất giỏi đã thách người Thái bắn tên lên vách đá để xác định chủ quyền vùng đất. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở, còn bên nào thua phải đi khỏi mảnh đất này.

Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái đã lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn mũi tên đã dính lên vách đá. Từ đó, người Thái được làm chủ đất này. Vì không phải là chủ đất nên khi chết đi, người Xá không được chôn cất dưới đất mà phải lấy thân gỗ to, khoét bỏ ruột để cho người chết vào trong rồi treo lên các vách đá hoặc giấu trong các hang động quanh vùng.

Lịch sử mộ thuyền trong hang động ở đây đã tồn tại mấy trăm năm cùng với sự hiện diện của cộng đồng người Thái. Những quan tài đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn để cho du khách có thể ghé thăm, tìm hiểu thêm về lịch sử vùng đất tươi đẹp vùng Tây Bắc này.

< Homestay ở bản Dọi.

Hiện nay, bản Dọi đã có homestay do CTy Handspan Adventure Travel (Công ty du lịch nối vòng tay), cũng là nhà nghỉ cộng đồng tại bản. Đây là căn nhà sàn lớn với diện tích khoảng 130m², gồm 8 gian, có thể phục vụ khoảng 20 khách du lịch mỗi ngày.

Nhà nghỉ này nằm trong chương trình hợp tác giữa công ty và gia đình ông Hà Văn Quyết - người Thái ở bản Dọi. Theo đó, họ đã đầu tư hơn 50 ngàn USD sửa lại căn nhà sàn cũ của gia đình ông Quyết và xây mới hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh... rồi trực tiếp huấn luyện các thành viên trong gia đình cách nấu những món ăn dân tộc theo thực đơn của khách du lịch và một số món ăn Âu, Á phổ thông, cách đón tiếp, phục vụ khách du lịch...

Ngôi nhà được đầu tư sửa chữa nằm trong khuôn viên hơn 2.000 m², nằm trong khu vực bản Thái với hơn 150 nóc nhà sàn được xây dựng từ lâu đời. Nhà được bao quanh bởi rừng cây xanh mát mẻ tạo cảm giác yên tĩnh, mộc mạc, thanh bình. Sau khi sửa chữa, ngôi nhà hầu như vẫn giữ được nét nguyên sơ vốn có, nhưng hệ thống điện chiếu sáng, nhà vệ sinh, nhà tắm được thay đổi hoàn toàn, trở nên sang trọng, sạch sẽ. Mục tiêu lớn nhất của công ty là: phát triển du lịch theo hướng bền vững, người dân có thu nhập từ du lịch, nhưng có ý thức bảo tồn, giữ gìn nét đẹp truyền thống của gia đình, dân tộc mình.

Handspan Adventure Travel cũng có những tour đưa khách đến nghỉ tại nhà sàn, tổ chức cho khách tham quan hái chè, hái quả, đi bộ, đạp xe xung quanh khu vực bản Dọi và xã Tân Lập.

Du lịch, GO! tổng hợp

0 comments:

Post a Comment