(SGGP) - Khi tiếng nai tác gọi tình giữa lưng chừng núi Trường Sơn thì cũng là lúc người anh em Vân Kiều, Khùa, Mày, Mã Liềng, A Rem... ở miền Tây núi rừng Quảng Bình hát điệu vào xuân. Tiếng khèn Aman, khèn Khui, tiếng đàn Tín Tùng, P’Lựa... cùng nhau diễn xướng. Điệu hát dân ca đôi lứa của mùa xuân như Xa Nớt, Tà Oái cứ quấn lấy bản làng, vi vút quanh suối bên nương.
Điệu Tà Oái thủy chung
Bản Làng Ho xa ngái trên phía Tây Trường Sơn thuộc xã vùng xa Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Những tháng năm đánh giặc, Làng Ho là địa chỉ đầu tiên tập kết hàng hóa chuyển vào Nam. Sau chiến tranh, Làng Ho nép mình dưới tán rừng trầm mặc, dân bản vật lộn với khó khăn.
Làng Ho nằm giữa bạt ngàn núi rừng, vạn đời; ngàn đời người Vân Kiều chung thủy với bản quán, đi theo cách mạng. Họ sống ở độ cao gần 100m so với mực nước biển. Ngày xưa, muốn lên Làng Ho, không có đường nào khác ngoài bạt rừng đi bộ 3 ngày.
Ngày nay, lên Làng Ho có hai cách. Một, đi từ Đồng Hới ra Khe Gát (Bố Trạch), bắt đầu từ cây số 0, phóng xe hơn 200km sẽ chạm mốc Làng Ho nổi tiếng; hai, đi theo đường 10 nối Đông và Tây Trường Sơn tại xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) và Kim Thủy (Lệ Thủy), chỉ khoảng 100km.
Già làng Hồ Uôi đang luyện lại điệu thổi khèn Aman cho đứa cháu trai đến tuổi biết hát Tà Oái. Theo Hồ Uôi, Tà Oái là điệu dân ca như lối giao duyên của người Kinh xứ ruộng. Giọng Tà Oái là giọng cao để trầm với núi rừng nặng mây thương nhớ. Đó là điệu của con gái, con trai đến mùa xuân tìm hiểu về nhau và yêu thương nhau qua bao mùa trăng, để chọn một bữa xuân tác hợp.
Nói rồi ông hát một số câu ông từng nhớ khi cưới vợ: Thương em đến nỗi sầu/Nhớ em đến nỗi ốm/Ước gì gan mật trở về nhau mãi mãi. Đấy là thông điệp của tình yêu thủy chung, quyết tâm trở thành của nhau, thuộc về nhau của người con trai, con gái Vân Kiều.
Hồ Uôi kể rằng: “Khi mới tìm hiểu, những câu hát bắt đầu từ nương rẫy. Trai gái đối đáp để được Tà Oái (hát yêu), lúc đó còn mới tìm hiểu nhau”. Điệu hát lần đầu tìm đến từ một cô gái muốn có người yêu và biết chơi khèn: Em ở chòi bên này thao thức đợi anh/Muốn thổi khèn Aman nhưng lại thiếu một người/Khèn Aman không thổi một mình/Em biết thương ai bây giờ ngoài anh.
Tiếng ưng của cô gái còn thốt lên cao vút: Em ước mơ đến anh/Không biết rồi mơ ước có thành không. Đáp lại, lời của chàng trai Vân Kiều theo điệu núi rừng: Anh là thật bên cây lim cây táu/Là của em cần chi phải ước mơ/Thề như cánh chim đại bàng núi Ó/Biết chung thủy để cho rẫy tốt tươi. Hay tiếng hát tài hoa hơn: Khèn Aman anh biết thổi/Để em nghe để bản làng vui ấm/Đi qua núi băng qua rừng/Bảo vệ bản làng khỏi thú dữ em ơi.
Theo già làng Hồ Uôi, Tà Oái ngoài điệu hát thủy chung còn là nơi của nguồn cội hòa giải các dòng họ có mâu thuẫn. Khi tiếng hát ấy cất lên của các đôi lứa, nếu họ không lấy được nhau chỉ vì hiềm khích của người nhà, họ xướng lên đến gan ruột của người bảo thủ cũng phải xiêu lòng để gác lại tranh cãi, tác hợp cho đôi lứa đến với nhau.
Điệu Tà Oái ở núi rừng Kim Thủy đã tồn tại từ lâu, nay mỗi mùa xuân đến, nó chảy trong mạch nguồn bản làng, như dòng suối mát bên bản, lúc nào cũng hiện diện trong dòng máu người Vân Kiều ở đây.
Tích lạ núi không ra biển
Xa trên miền Tây huyện rẻo cao Minh Hóa, người Mày phía góc núi Giăng Màn vẫn kể cho con cháu nghe về thế giới hình thành như thế nào trong các đêm kể chuyện cuối năm với các bản thể xa xưa, cổ kính, bí ẩn. Các câu chuyện nối tiếp nhau như kể khan và chúng tôi được diện kiến một trong những câu chuyện thông minh đó của trưởng bản Tà Vờng, xã Trọng Hóa, Hồ Khiên. Nó như biểu tượng trí tuệ của người Mày, xứng đáng với lưu truyền trong vùng, anh em Mày sống ở núi cao, bảo bọc chở che cho những anh em lưng chừng núi.
Hồ Khiên kể rằng, sự tích núi không muốn ra biển là cách cho thấy trí tưởng tượng của người Mày phong phú, đa dạng hơn những gì người đời đang biết về họ. Câu chuyện lược hiểu rằng: “Ấn đê (ngày xưa) các dãy núi bàn nhau ra biển ở, chừa đất đai bằng phẳng cho con người làm ăn. Số núi ở gần biển nhận tin đi trước, không gặp con Ô ca chao (con chim bạc đầu) nên đi ra biển, ở ngoài biển. Từ đó miền xuôi không có núi, chỉ có đồng bằng. Số núi ở xa biển, nhận tin sau, chuẩn bị đi thì gặp chim Ô ca chao.
Chim hỏi: Núi đi đâu? Núi trả lời: Đi về biển ở. Chim Ô ca chao nghe vậy thấy sợ mất nơi ở, nơi tìm cái ăn, nơi tránh lụt lội nên nói với núi: Tôi đã sống đã bay đi khắp nơi từ lúc nhỏ đến bạc đầu mà không thấy biển đâu cả, núi đi sao đến. Núi nghe con Ô ca chao nói vậy, tưởng thật. Tất cả quyết định ở lại, không đi nữa. Núi ở lại vững chắc, con Ô ca chao mới nói lại với núi: Núi coi tôi khôn chưa? Suốt đời tôi ở đây, có đi đâu xa mà biết biển xa hay gần. Nếu tôi không nói, núi đi hết tôi không có nơi trú ngụ, kiếm ăn, con cháu tôi không có nơi nương thân, không có nơi che chắn. Núi thấy tôi khôn không? Núi nghe vậy giận lắm, nhưng đã ở lại ổn định rồi, đành chung thủy không đi nữa. Từ đó xứ của người Mày chỉ có núi, không có đồng bằng, không có biển”.
Câu chuyện của Hồ Khiên rất ấn tượng. Ít ra về trí tưởng tượng của tộc người này, núi có thể di cư. Chuyện hiếm thấy trong các truyền thuyết mở đất mở đai. Núi như nhân vật có thật về tư duy, suy nghĩ, hành động. Còn người Mày có tổ tiên là chim Ô ca chao thông minh quá đỗi. Vậy nên với người Mày, kể chuyện cuối năm là lúc để hun đúc trí tuệ cộng đồng mà Hồ Khiên đã được thừa kế lại từ bố và ông nội, những truyền nhân đầy tôn kính.
Những vị thần mùa xuân
Trong hệ núi Găng Màn tỏa bóng cho anh em Khùa, Mày, Mã Liềng... ở miền Tây Quảng Bình, có một số hòn núi hùng vĩ mang tên các vị thần tiếng tăm lộng lẫy trời xanh từ ngàn vạn năm nay. Các ngọn núi Cu Lôông, Tôồng Vôốc, Y Răng, Y Hơn là vị thần của những đồng bào ở đây.
Trong đó, thần Cu Lôông là thần của các vị thần, sức mạnh như thần Dớt trong thần thoại Hy Lạp và trong một năm các vị thần này hợp lại theo tín ngưỡng của họ ở mùa xuân, được các cộng đồng anh em gọi là thần Giangbra (Giang sơn). Mùa xuân đến, những tộc người này làm lễ Tả xi leng, đấy là lễ kỵ yên đầu năm cho dân bản phát rẫy thuận lợi. Lễ Tả xi leng do dân bản góp lại.
Theo Hồ Khiên, lễ có hai mâm. Mỗi mâm có đĩa xôi, con gà luộc, một bát nước, một thẻ nhang, bốn bánh óc đếp - bánh nhọn không nhân, gói bằng lá dong từ nếp nương - cả hai mâm có hủ rượu cần ở giữa. Lễ này cầu các vị thần hợp lại phù hộ cho dân bản được mùa rẫy tốt tươi.
Với mỗi gia đình, các vị thần trên là bản thể tinh thần sâu kính và thiêng liêng. Ngoài việc cầu cho ông bà tổ tiên siêu thoát thì họ còn cầu cho các vị thần ấy giúp đỡ những người đi xa làm nhiệm vụ biên viễn có sức khỏe chiến đấu, con em hướng thiện đất nước thái bình, thịnh vượng, vùng đất hết ma dữ, còn lại ma hiền giúp người dân trong cuộc sống sinh tồn.
Điệu xuân của những tộc người anh em miền Tây Quảng Bình hiện vẫn bảo lưu trong huyết quản bản làng. Người già ở đây từng một thời lo mai một, nhưng họ đã truyền lửa yêu thương cho thế hệ trẻ sau này biết gìn giữ những gì thuộc về bản quán.
Hồ Khiên nói: “Các câu chuyện và điệu hát, bọn trẻ biết không nhiều, nhưng có đứa muốn tìm hiểu, thế là thành công rồi”. Còn già Hồ Uôi nheo mắt: “Ngày xưa chúng chẳng muốn mình hát nữa, nhưng ngày nay có lẽ cuộc sống hiện đại, chúng biết khá nhiều thế giới ngoài bản, mà không biết văn hóa bản làng thì chúng tìm hiểu và chúng động viên nhau. Thế cũng mừng vì chúng biết quý nguồn cội đồng bào”.
Mùa xuân, biết thêm ẩn ngữ Folklore của những người anh em Vân Kiều, Mày, Khùa, Mã Liềng... càng thấy rõ trong đời sống của họ tuy còn khó khăn về vật chất nhưng dung mạo vùng đất của họ dựng ra ở vùng non cao thâm sâu và bền chặt. Nó chính là trí tuệ của họ, là tư duy của họ nối dài vào mỗi đời người và keo sơn ở chính cuộc đời cháu con của họ. Câu chuyện ấy sẽ được truyền kể mãi ở chính lưng chừng núi. Mãi mãi...
Theo báo SGGP
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment