Saturday, March 22, 2014

Nhâm nhi cái món rắn trun

(DVO) - Rắn trun là loại rắn không có nọc độc, thường sống ở vùng cỏ rậm có nước xâm xấp ở đìa lạch, mương vườn. Người dân miền Tây Nam bộ bắt rắn trun bằng … tay không, đặt lọp, giăng lưới, …

Rắn trun dài trên dưới 4 tấc tây, lưng đen trũi, bụng có khoang trắng khoang đen liên tục. Rắn trun bắt về đập chết rồi cặp rắp đốt rơm, hoặc bỏ lên bếp than cháy đỏ để nướng. Dân gian gọi là nướng mọi. Rắn nướng chín, lấy cây cạo sạch vảy và tro, bẻ thịt rắn chấm với muối hột nhâm nhi cùng vài ba ly rượu đế thì quả là đậm đà hương vị đồng quê. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, món rắn trun nướng mọi in đậm dấu ấn của người bình dân khi đến khai phá vùng đất mới với nhiều sông rạch, lung bàu chằng chịt Cửu Long giang.

Không ăn nướng thì làm thịt rắn rồi chế biến thành nhiều món ăn khá. Rắn trun làm rất nhanh. Chỉ cần hơ qua trên lửa hoặc trụn nước sôi, vảy rắn bong ra, lấy lá sả vuột lớp da ngoài, dùng dao mổ sạch bụng là xong. Gan, mỡ và trứng ăn ngon nên không bỏ. Để cho rắn ráo nước, dùng chai thủy tinh dần mạnh, xương rắn sẽ tan hết.

Rồi, có thể cắt rắn ra thành từng khúc chừng ba, bốn phân tay. Bắc chảo mỡ nóng lên chiên giòn. Không thì bắc nồi nước lên hầm rắn với măng tre mạnh tông hay củ cải trắng, … Các món này ăn rất bắt cơm những dễ làm bởi mọi thứ đều có sẵn ở vườn, ruộng nhà quê.

Cũng có người đem thịt rắn đã làm sạch bằm nhuyễn, nêm tiêu hành, gia vị cho vừa ăn. Bắc chảo phi tỏi mỡ xào thịt rắn bằm cho vàng thơm. Sau đó, có thể chế biến thành nhiều món khác nhau.

Cầu kỳ một chút thì nấu cháo gạo với đậu xanh cà. Cháo chín nhừ thì cho thịt rắn đã xào vào, thêm ít gốc hành, nêm tiêu, gừng, … ăn nóng. Húp chén cháo rắn trun, mồ hôi ra như tắm, bao mệt nhọc tan biến hết.

Không nấu cháo thì khi xào thịt rắn trun đã vàng, xắt nhuyễn lá cách, lá nhàu cho vào chảo, đảo đều rồi nhắc xuống. Để lá nhàu, lá cách chín quá sẽ mất ngon. Rắn trun xào lá nhàu, hoặc lá cách thường ăn với bánh tráng nướng hay chiên vàng. Bẻ bánh ra, xúc thịt rắn xào chấm với nước mắm ớt, … Rắn xào thường được bạn bè nhâm nhi với những chung rượu cay nồng.

Cần chi cá lóc cá trê,
Thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều (Ca dao).

Rắn trun theo y học cổ truyền có tính mát, lành. Thịt rắn nấu cháo đậu xanh đã mát càng thêm mát, thịt rắn xào với lá nhàu, lá cách vừa bổ thận, vừa trị đau lưng nhức mỏi. Trẻ con hay khò khè dân gian cho uống mật rắn trun cũng có công dụng rõ rệt.

Từ những động vật, thực vật hoang dã, những với trí tuệ dân gian, người ta đã khéo léo kết hợp nó thành những món ăn vừa ngon, vừa có tác dụng bổ dưỡng cho cơ thể. Quả là những điều thú vị cần được trân trọng và khám phá.

Theo Hai Miệt Vườn (báo Dân Việt)
Du lịch, GO!

Rắn trun xào lá nhàu

Related Posts:

  • Đến Phú Quốc ăn còi biên mai(Báo Cà Mau) - Đi tham quan Phú Quốc, nhớ lời bạn nhắc: “Đến Phú Quốc mà không thưởng thức được còi biên mai là chưa biết những đặc sản biển nổi tiếng ở hòn đảo thơ mộng này”, khi vào quán ăn, tôi gọi ngay món “còi biên mai x… Read More
  • Tung lò mò: Đặc sản Chăm.(Dân Việt) - Ở An Giang, đồng bào Chăm có một món ăn lạ từ tên gọi đến cách chế biến, hấp dẫn tất cả những ai đã từng một lần thưởng thức. Đó là món tung lò mò.< Tung lò mò (lạp xưởng bò) đang phơi nắng trên giàn.Theo… Read More
  • Nhớ con cá bống dừa(Cà Mau Online) - Cá bống có nhiều loại: bống mú, bống tượng, bống cát, bống trứng, bống mật, bống sao, bống bọt, bống xệ, bống kèo, lại thêm bống nhảy (thòi lòi)…Nhiều loại bống, nhưng tôi đặc biệt nhớ nhất con cá bống dừa. … Read More
  • Gỏi măng cụt - Đặc sản Thuận An(Báo Binh duong) - Với địa thế nhân hòa, được thiên nhiên ưu đãi và nằm trải dài bên sông Sài Gòn, khu vực An Sơn, Bình Nhâm, Lái Thiêu (TX.Thuận An, Bình Dương) quanh năm được phù sa bồi đắp nên các vườn cây ở đây luôn được … Read More
  • Dẻo thơm bánh củ cải Bạc Liêu(SVHTTBL) - Trong quá trình khai phá, không thể không tính đến sự có mặt của các dân tộc bản địa và những dân tộc di cư đến. Đó là các dân tộc Hoa, Khmer và Chăm.Tiến trình khai phá và phát triển của Nam Bộ, các dân tộc đã cù… Read More

0 comments:

Post a Comment