Bình Liêu là một huyện vùng cao giáp biên giới Trung Quốc. Huyện nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Ninh, phía bắc giáp với Sùng Tả và Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc, phía tây giáp với tỉnh Lạng Sơn, phía Đông giáp huyện Hải Hà, phía Nam giáp huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà.
Bình Liêu cách thành phố Hạ Long 130km, cách thị trấn Tiên Yên 40 km, phía bắc có 42,7km đường biên giới giáp Trung Quốc, phía đông giáp huyện Quảng Hà, phía tây giáp huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn, phía nam giáp huyện Tiên Yên.
Bình Liêu không có sự choáng ngợp bởi những cao nguyên đá hùng vĩ như Hà Giang mà chỉ có những lắng đọng êm đềm của miền biên viễn với sắc xanh của núi rừng ngào ngạt hương hồi, hương quế; những mảnh ruộng bậc thang vàng rực, những âm thanh rì rào của suối, những sắc màu thổ cẩm sặc sỡ trong buổi chợ phiên cùng cuộc sống đậm chất nhân văn và giàu tình người…
Trong khói lam chiều đến Bình Liêu
Ngỡ ngàng anh hỏi, phải em yêu?
Miên man câu hát người thôn nữ
Cảnh đẹp này có được bao nhiêu?
Huyện có khoảng 5 dân tộc anh em cùng chung sống chủ yếu là Tày, Dao, Sán chỉ, Kinh, Hoa. Theo tập quán sản xuất từ ngày xưa họ làm nương, rẫy và du canh, du cư, săn bắn thú trên rừng và hái lượm. Ngày nay, người dân đã biết trồng lúa theo mùa.
Huyện không có nhiều đền chùa hay di tích lịch sử, chỉ có duy nhất di tích lịch sử cấp tỉnh là Đình Lục Nà thuộc xã (Lục Hồn) vừa được phục dựng lại Lễ hội vào năm 2005.
Bình Liêu có cửa khẩu Hoành Mô giáp nối với TQ. Đường 18C từ thị trấn Tiên Yên tới cửa khẩu này là con lộ phẳng, mượt như một dải lụa uốn lượn qua các sườn núi, thung lũng với hai bên là những thửa ruộng bậc thang ngoằn ngoèo như nét cọ được điểm xuyến bằng các ngôi nhà xinh xinh của người Dao Đỏ.
Từ trên con đường này, khách có thể nghe thấy tiếng nước réo ào ào bên dưới dòng sông Tiên Yên vặn mình tràn trên những bãi đá hoang sơ đẹp như tranh sơn thuỷ.
Từ Tiên Yên trở về thị trấn Bình Liêu cách xa khoản hơn 30km. Thị trấn có khí hậu trong lành: mùa hè mát nhưng đặc biệt là mùa đông lại ấm.
Cả thị trấn như treo bám vào một sườn núi thấp nhìn xuống một thung lũng rộng, ruộng bậc thang như tấm thảm xanh nõn nà hay vàng rực rỡ tùy theo mùa. Thấp thoáng phía xa là bóng áo váy của người Dao Đỏ, khói lam toả ra từ những nếp nhà trông thật là chốn bình yên.
Nếu đi thêm 10km nữa: khách sẽ đến Đồng Văn, một xã biên giới rất mạnh về cây công nghiệp và có những nét văn hoá, phong cảnh rất đặc trưng của người Dao. Ở đây có rừng hồi, rừng quế và không khí cũng thấm đẫm mùi hương cũa những loại cây này.
Bình Liêu có chợ tình của của người Dao. Hàng năm, cứ đến ngày mùng bốn tháng tư âm lịch, bà con lại nô nức rủ nhau “Mì sèng phẩy hêy dảo”, tức là đi chợ tình trong ngày 'kiêng gió'. Người Dao quan niệm rằng, vào ngày mùng bốn tháng tư thì không nên làm bất cứ công việc gì bởi có làm cũng không được thuận buồm xuôi gió, nếu làm nhà ắt nhà đổ, trồng cây thì cây không phát triển được...
Cho nên, vào ngày này tốt nhất là hãy gác lại mọi công việc để đi chơi chợ, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ như: Ca hát, thổi kèn, ném còn, đẩy gậy, kéo co và… uống rượu thoải mái kể cả phụ nữ!
Riêng người Sán Chỉ lại có Lễ hội tháng 3 mà người ta quen gọi là Chợ tình giao duyên. Được tổ chức vào ngày 16/3 âm lịch hằng năm, đây là một lễ hội văn hoá rất đặc sắc đang được địa phương phục dựng tốt và phát triển mạnh.
Nếu có dịp đi Quảng Ninh, bạn hãy thử đến Bình Liêu một lần để cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên cùng con người nơi đây. Để nghe câu hát giao duyên 'Em tìm anh nhưng sao chẳng thấy, cái chân đã mỏi, mặt trời xuống núi biết bao giờ mới tìm được anh. Anh đang ở đâu, hay anh đã có người khác? Lời hẹn năm xưa anh còn nhớ không?'... và để xem hình ảnh chàng trai người Dao dùng chiếc ô móc vào dây lưng trên chiếc áo thêu rực rỡ hoa văn của cô gái để kéo về nhà...
Du lịch, GO! - Ảnh từ internet
0 comments:
Post a Comment