Friday, August 2, 2013

Mật mã Tây Giang - Đông Giang

(Autocarvietnam) - Chuyện kể về hành trình đi tìm bùa yêu của những kẻ phố thị lên miền Tây xứ Quảng. Tây Giang ngày ấy với tôi và cho đến bây giờ vẫn luôn là một vùng đất ẩn chứa những điều bí mật chưa bao giờ tỏ. Chỉ cái tên tôi đã thấy vừa xa lạ vừa quen thân. Và có bao người trong giới xê dịch thực sự hiểu và biết về Tây Giang – một vùng đất nằm ở phía Tây đất Quảng.

Truyện kể rằng đó là một vùng đất giấu trong mình quá nhiều ẩn số, những truyền thuyết sinh ra và lớn lên, rồi chết chìm trong đất đỏ. Tôi cứ tìm mãi những thông tin ít ỏi về nơi ấy, để cho đến một ngày không giữ nổi chân mình, buộc phải xách ba lô, mua cho mình tấm vé đi Tây Giang, để lời đồn về  những lá bùa yêu xứ ấy bước ra đời thực.

A Lưới: Dọc theo con đường lịch sử

Theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi sẽ men theo tỉnh lộ 604 để đến Tây Giang, nhưng vì muốn hành trình khép trọn một cung đường, nên cả đoàn quyết định vượt đèo Hải Vân, tiến về đất Thừa Thiên, từ đó theo hướng tây để đến A Lưới – một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.

Một năm trước, tôi mải mê với con đường bụi đỏ Tây Nguyên. Còn năm nay, là những con đường bụi trắng ngược dòng Hương Giang. Tháng 3 nào đối với tôi cũng thật rông dài. Vẫn chiếc xe cũ thuê ở Đà Nẵng, vẫn người bạn đồng hành cũ, chúng tôi chỉ lớn thêm một tuổi, và khác chăng là bố mẹ ở nhà có phần sốt sắng hơn chuyện yêu đương của bầy con. Bùa yêu quả nhiên là một liều thuốc tiên, là niềm tin để bọn ế sưng bấu víu.

< Mốc đường Trường Sơn lịch sử tại ngã ba đi cửa khẩu Hồng Vân – A Lưới.

Màn đêm bủa vây trên dãy Trường Sơn, một màn đêm dày đặc và huyễn hoặc ôm lấy chúng tôi. Tôi chẳng thấy chiếc xe của 2 người bạn đường đâu nữa, chỉ thấy xe mình mải miết chạy. Xung quanh chúng tôi không có lấy một ánh đèn. 5 ngày trong cuộc hành trình thì đến 3 ngày tôi mất liên lạc với xã hội. Điện thoại thường trực ở chế độ mất sóng. Thế là vứt hết định vị, vứt hết viện trợ nếu không may có gì bất trắc trên đường. Thôi thì xe nào biết xe nấy, cái khao khát được thấy điện đèn mỗi lúc lớn dần lên trong lòng tất cả. Mà đường dài lắm, đi mãi không thấy.

Tôi cũng chẳng biết mình đã vượt đèo Kim Quy và Tà Lương lúc nào. Chỉ nhớ con đường đêm xuyên qua khu rừng có hàng nghìn đom đóm lấp lánh. Thứ ánh sáng ấy lại khiến tôi hơi run sợ. Ngay cả một tiếng chim rừng đánh động cũng khiến tôi giật mình, huống hồ thứ ánh sáng lập lòe kia khi qua đèo.Lúc dừng lại ngang đường, thấy có tý sóng, tôi gọi cho 2 “tên béo” đi sau. Mà có biết hỏi nhau đi tới đâu đâu, chỉ biết ú ớ: Anh đã đi qua con đường rừng có toàn đom đóm chưa?Chẳng thể đợi nhau, xe của tôi lại cắm đầu chạy, như cố bỏ lại con đường đen đặc và tiếng dòng Hữu Ngạn đang róc rách xuôi về với biển.

8h tối, cuối cùng chúng tôi cũng gặp ánh sáng cuối con đường nơi ngã ba Bốt Đỏ. 4 kẻ giờ mặt mũi phờ phạc chả khác gì bọn thổ phỉ.


< Già làng bên bếp lửa ở Tà Ôi – Hồng Vân – A Lưới.

Vì A Lưới là địa danh phát sinh của chuyến đi, nên chẳng đứa nào có tý thông tin gì trong đầu. Công nghệ được thể phô diễn, chúng tôi nhờ google để tìm kiếm điểm đến cho ngày mai. Nào thì đèo Mẹ ơi, suối Máu, đồi Thịt Băm,... Phiên chợ của người đồng bào họp giữa đêm được nhắc trên báo chí, nhưng dân địa phương lại chưa từng nghe thấy. Có lẽ nó không còn tồn tại.

Ngày nắng đẹp duy nhất trong cuộc hành trình đã kết thúc. Chúng tôi không ngờ rằng, giông bão mới chỉ sắp bắt đầu. Đêm hôm ấy, trong giấc mơ tôi, đoàn tàu không số trôi bềnh bồng.

Làm sao mà quên được buổi sáng ở A Lưới sau cái đêm đắm chìm trong mộng mị. Trời không chiều lòng người cho lắm, vì mới được tăng cà phê, chúng tôi buộc đồ lên xe chạy một quãng thì đã mưa rồi. Mưa rả rích, buốt giá... chả khác gì mưa xứ Bắc. Tưởng rằng chúng tôi thoát được đợt áp thấp, ai ngờ mưa gió vẫn bám theo. Tôi ngồi sau lẩm nhẩm một mình trách lão xế già, chắc là không hợp phong thủy nên lần nào đi cùng nhau trời cũng làm mưa. Ý định nướng thịt ven suối hay trên đồi Thịt Băm tắt ngúm theo dòng nước đang chảy tràn trên mắt kính.

Hai chiếc xe hối hả chạy trên con đường mù sương vượt đèo Pê Ke, mà cũng chẳng hiểu vượt qua đèo đó để làm gì. Trên lưng chừng đèo, một cặp vợ chồng đang hái rau má bám vào vách đá. Dưới chân núi, mấy người phụ nữ già người Pà Ôi thủng thẳng đeo gùi vừa đi bộ vừa ngậm tẩu. Mưa quá, chẳng có kẻ dại dột nào dám thò máy ảnh ra để tác nghiệp, cứ cắm mặt vào chạy.


< Nhà sàn của người Cơ Tu.

Cả một buổi sáng lòng vòng trong mưa để tìm bản làng, mà vô vọng quá. Cuối cùng cả lũ kéo nhau lên phía biên giới, theo con đường nhỏ đi vào cửa khẩu Hồng Vân. Có thể, nhiều năm sau, tôi sẽ quên hết tất cả những ký ức về A Lưới, nhưng tôi dám chắc tôi sẽ không quên những con đường nơi ấy, nhưng con đường chỉ có dốc dài đi lên mãi, hoang vu kéo dài trên những dãy núi phía biên giới Việt Lào. Hai bên đường mua mua nở hồng, vì cơn mưa dường như đã làm phai sắc tím vốn có của loài hoa này.

Con đường vắng không có người qua lại. Chúng tôi không biết rằng, phía sau mình lúc này, là 4 anh biên phòng đang hối hả đuổi theo để chặn chúng tôi lại. Không hiểu sao và vì duyên cớ gì, chuyến đi nào chúng tôi cũng bị quy kết là một bọn Tây. Có vẻ thông tin của đồng bào ở A Lưới quá bén nhạy, thế nên đi đến đâu, chính quyền đều lập tức bám theo sau.

Khi còn cách biên giới khoảng một ki lô mét, chúng tôi bị chặn lại. Chúng tôi được uống trà và tra vấn, được lưu lại quý danh trong sổ của đồn. Không còn cửa để vượt biên, cả lũ đành quay về, mò mẫn vào bản làng của đồng bào Pà Ôi ở một lưng dốc.

Có vẻ như gã xế già nhất đoàn sốt sắng với chuyện tình ái, nên ngay khi mò vào ngôi nhà sàn của cụ ông già nhất bản, gã đã hỏi ngay: Ở đây có bùa yêu không ông? Cũng bởi ở nhà, tôi đã gửi một link báo viết về bùa yêu, rằng là bùa ấy chỉ có người Cơ Tu ở Quảng Nam biết làm, còn đây là bản người Pà Ôi. Ế ẩm đúng là một cái tội, và khi người ta đã quá lứa lỡ thì thì có vẻ càng tỏ ra sốt sắng. Trên sàn nhà, cạnh bếp lửa đỏ, chúng tôi xúm xít hỏi chuyện chủ nhà. Người đàn ông không biết mình bao nhiêu tuổi, chỉ biết mình đã già và về gần với đất, nói tiếng Kinh theo kiểu tập đọc, đang ngậm tẩu ruốc rê. Chúng tôi cũng xin cụ được hút thử. Bây giờ ngồi ngẫm lại, có khi cái cảm giác lâng khâng của tôi mấy hôm này, bắt đầu từ hơi thuốc mình hút. Khói thuốc đượm và nặng nề theo tôi trong suốt một ngày dài.


< Ruộng bậc thang của người dân tộc ở A Lưới.

A Lưới lấy đi của chúng tôi rất nhiều "máu" mà chính xác là vắt rừng A Lưới. Con đường mòn đi vào thác A Nôr gặp trời mưa nên trơn nhoét. Bốn đứa lếch thếch lội qua suối, đi sâu vào trong theo con đường đất trâu đi. Kẻ thì bị ngã, kẻ thì ướt nhẹp khi sải chân bước qua con suối toàn đá rêu trơn. Tôi bỗng nhiên trở thành dũng sĩ bắt vắt. Thi thoảng đang đi lại phải quay đầu lại vì tiếng kêu thảng thốt gọi tên mình. Chẳng đứa nào chuẩn bị cho sự trekking phát sinh này cả. Chúng tôi tha lôi được bếp núc và mỳ tôm vào sát chân thác thì quên bật lửa.

1h chiều, bụng đứa nào đứa nấy sôi lục bục, cả lũ bóc mỳ tôm ra ăn sống, nhìn đống cồn khô và xoong nồi tiếc rẻ. Xui xẻo thế nào Trời bỗng đổ cơn mưa rừng. Tôi kinh sợ thứ mưa rừng tầm tã ấy, nó khiến trên người tôi chẳng còn chỗ nào khô. Tôi đi cuối, chiếc áo chống nước lần đầu tiên không chịu nổi mưa, ai bảo mưa lớn và mau hạt quá. Mưa cho đến tận khi bước chân qua đoạn suối cuối cùng để trở về đường xe chạy.

Tôi đi chân đất, vừa đi vừa gỡ vắt. Rồi cũng thở phào khi được trở về đường quốc lộ, kiếm quán ăn nhét cơm vào cho ấm bụng. Lão xế già vô tư, chẳng để ý rằng mình đã nuôi béo một em vắt ở chân, lúc ăn xong thì em ấy đã bước sang tuổi " trưởng thành". Công cuộc Trekking ai ngờ vẫn chưa dừng ở đấy...


< Người Cơ Tu luôn quay quần bên bếp lửa giữa nhà.

Dường như bữa trưa no say có phần nào ảnh hưởng đến trí nhớ của toàn đoàn. Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là Hambuger Hill ( tức đồi Thịt Băm hoặc đồi A Bia theo tiếng địa phương ) nhưng cả lũ mông muội đi tới đâu cũng hỏi Đồi Băm Thịt ở đâu, làm toàn dân và quân A Lưới ú ớ và lắc đầu. Trong tâm niệm của bọn Kinh thủ đô này, thì Băm Thịt hay Thịt Băm cũng cả như nhau. Dò lần chán chê, cả lũ cũng được chỉ cho đúng đường, lại là một con đường tiến dần về biên giới.

Trong cơn mơ mộng, ai nấy đều tưởng tưởng ra rằng đồi Thịt Băm phải cao và đứng trên đỉnh có thể phóng tầm mắt ra xa, nên háo hức lên đường lắm. Đến khi cả lũ vật vã leo trên từng bậc đá, rồi đi xuyên qua những con đường mòn toàn lá rụng, hai bên đường là loại dương xỉ của rừng rậm nhiệt đới, lúc đấy cơn mơ mộng mới thực sự tan vỡ.

Chưa kể đến mới bắt đầu đi được chục bước chân, công an xã và bộ đội biên phòng đã lao đến giữ nhân cả bọn lại. Mặc dù chúng tôi ra sức giải thích, xin xỏ, rồi đến màn gạ gẫm, nhưng đồng chí công an xã có vẻ cương quyết không cho leo lên đồi. Rồi lại tiếp tục gạ... Cuối cùng họ cũng đồng ý cho lên trên dưới sự giám sát của "chính quyền" là anh biên phòng đi theo để dẫn đường, quyết không để chúng tôi lạc sang nước bạn.

Đồi Thịt Băm nói chính xác hơn là một khu rừng, là ngôi mộ tập thể của hàng nghìn xác người trong chiến tranh chống Mỹ, nay trở nên hoang hóa, u tịch. Con đường lên đồi tưởng như hàng năm không có người đi lại. Chúng tôi bước chân mình trên những lớp lá khô, mồ hôi như tắm.


< Chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa nghe Mẹ Cơ Tu kể chuyện.

Từ lâu rồi, tôi đã bỏ hẳn trekking ra khỏi hành trình của mình, thế mà hôm đấy, tôi nhất định không tụt lại phía sau, cứ gắng bước giữa khu rừng toàn bướm rực rỡ. Khi ấy, bạn đồng hành của tôi bảo: thôi từ nay, chúng mình đổi tên Đèo Mẹ Ơi, Đồi Thịt Băm thành những cái tên hoa mỹ hơn đi, như đèo đom đóm và đồi bươm bướm này. Vì cơ thể đã quá rã rời sau một ngày vật vã đi lại hết lối này đến lối khác, nên chúng tôi quyết định tự thưởng cho mình đi tắm suối khoáng A Roàng. Hai chiếc xe lại cắm cúi chạy trong mưa, bóng tối đang dần xuống.

Đường từ suối khoáng về Prao, thị trấn của Đông Giang là con đường dài nhất tôi từng đi. Không phải ở khoảng cách, mà bởi bóng tối, mưa rét và sự hoang vu. Suốt chặng đường 100km ấy, chỉ có đúng chúng tôi, lầm lũi và run rẩy. Cơn mưa rừng Trường Sơn cứ rơi mãi không thôi. Lần đầu tiên tôi không ngủ, dù đã mệt nhoài. Tôi hát, những bài hát về Trường Sơn mưa gió. Tôi lấy lý lẽ rằng " em lo anh ngủ gật nên cố hát cho đỡ sợ " Nhưng sự thực là chính bản thân tôi hôm ấy, sợ hãi đã lấp đầy...

Đất mẹ Đông Giang

Con đường đêm về với Prao – trung tâm huyện Đông Giang cứ xa mãi, xa mãi. Mưa gió táp vào mặt như thể thử lòng người. Tôi cảm giác cơ thể chẳng còn cử động nổi nữa, lưng đau, chân sưng lên. Mặc dù đã mặc áo mưa, đi ủng đàng hoàng, tôi vẫn cảm nhận được rõ ràng cái ướt lạnh của đêm mưa.Bộ quần áo ấm duy nhất đã ướt và bẩn sau ngày ở A Lưới. Những cơn sốt ngắn xuất hiện. Đoàn 6 người chúng tôi hội ngộ, mừng vui nhắc chuyện bùa yêu. Bạn đồng hành đi theo tỉnh lộ 604 từ Đà Nẵng đến Đông Giang trước đã kịp lân la dân tình hỏi han, gắp nhặt thông tin trước. Vậy là bùa yêu có thật, người cho bùa chắc chắn có thật.

< Người Cơ Tu vẫn dệt vải thủ công như thế này.

Chúng tôi đã không chọn đến thăm những di tích cách mạng nằm rải rác trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, thuộc đất Đông Giang. Mà đi theo một con đường khác. Tôi muốn được đi những chuyến đi mà trải nghiệm văn hóa là điều mà tôi đặt trên tất thảy. Tôi cố gắng để nhớ tên bản làng đầu tiên chúng tôi đến thăm ở Đông Giang, mà không được. Tôi chỉ nhớ nó nằm cách đường Hồ Chí Minh 5km, đường đất đỏ. Con đường mới mở, đi qua cầu treo, men theo vách núi và con suối nhỏ vào tận bản. Bữa ấy, trời chưa kịp mưa. Mà nếu mưa thì chắc lũ chúng tôi cũng không mò mẫm được vào bản Cơ Tu ấy. Đó là nơi mà chúng tôi đã dành nhiều thời gian hơn tất thảy, để lê la trên từng góc nhỏ của nhà Gươi, và nghe Mẹ Cơ Tu kể chuyện.

Ở đó không có điện, nhưng mắt trẻ con vẫn sáng.
Ở đó không có nước sạch, nhưng lòng người vẫn trong.

< Một bà Mẹ Cơ Tu mà chúng tôi đã gặp và hỏi về bùa yêu.

Bên bếp lửa hồng của Mẹ, một lũ người Kinh và mấy em nhỏ Cơ Tu nghe Mẹ kể chuyện. Đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh đã đi làm nương rẫy, chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Hôm ấy là cuối tuần, lớp học đóng cửa. Lớp học chính là bảng đen phấn trắng, bàn ghế kê giữa nhà Gươi. Trong lớp học giờ đây, bạn đồng hành lăn lóc ngủ. Đêm qua chắc bạn có một đêm trắng, tôi đoán vì rạo rực chuyện sắp tìm được bùa yêu nên mất ngủ mà thôi.

Suốt cả chuyến đi ấy, điều lưu lại trong lòng tất cả là sự thân thiện, hồn hậu của những người con của rừng núi Trường Sơn. Những người Cơ Tu lúc nào cũng mở lòng, mở dạ để đón chào và kể chuyện cho chúng tôi nghe. Có thể là câu chuyện của cộng đồng họ, cũng có khi là câu chuyện của chính cuộc đời họ. Bếp lửa ấm hồng của Mẹ cứ giữ chân chúng tôi mãi. Lúc ấy tôi đã ước, giá mà không phải đi tiếp nữa, cứ ở lại đây cho hết kỳ nghỉ có phải tuyệt biết bao. Nhưng còn bùa yêu, còn những ngày được sống giữa tình đất tình người Tây Giang còn lại kia, chúng tôi  đành thu dọn sự thảnh thơi để lên đường.

< Những đứa trẻ Cơ Tu hồn nhiên trong sáng.

Ngày còn ngồi trong giảng đường đại học, câu chuyện mà tôi nhớ nhất từ người thầy của mình là câu chuyện về tục săn đầu người của người Cơ Tu. Những sợ hãi xưa cũ đã không còn nữa khi tôi đặt chân đến mảnh đất vốn hoang dại của cộng đồng này. Câu chuyện về những chiếc đầu người treo lủng lẳng quanh nhà Gươi chỉ còn trong quá khứ xa xôi. Một bản làng hùng mạnh, không còn là một bản làng có nhiều đầu người nhất. Thay vào đó, đầu thú rừng được treo khắp nhà, cùng với súng săn và cung tên. Thêm vài ba chiếc bằng khen, ảnh Bác Hồ được treo trịnh trọng. Cách mạng đã làm thay đổi tất cả, trong sợi dây hiền hòa và nhân ái. Những căn nhà Gươi quá khứ nhuốm máu, máu tượng trưng cho mùa màng bội thu, cho sức mạnh của một tộc người - giờ đây trở nên bình lặng dưới trời Trường Sơn xanh thẳm.

Vẫn phảng phất lại đó, một chút gì của những ngày tháng sinh tồn cũ, tường nhà Gươi của người Cơ Tu không bao giờ bịt kín như các nhà cộng đồng khác, mà là những tấm ngỗ ngang, ghép thưa như chiếc cửa sổ dài. Tại đó, ngày xưa, khi những ngày cả bản làng tụ hội, người ta vẫn có thể quan sát được xung quanh, tránh kẻ thù và thú dữ. Còn bây giờ, tường nhà ấy, là nơi mà lũ chúng tôi ngồi dựa vào, nhìn mơ màng về phía những nóc nhà lô nhô, nơi những đứa trẻ con mắt sáng, tóc xoăn, da ngăm đen đang chơi đùa, vui vẻ với bài ba chiếc kẹo rẻ tiền mà người lạ mặt mang đến.

< Nhà Gươi, là trường học, là nơi hội họp của cả làng.

Trong những cuộc du hoan bất tận của mình, có đôi khi chúng ta vô tình lấy đi của người khác những khoảnh khắc riêng. Như tôi và bạn đồng hành, đã vội vã dừng xe trước cảnh một em bé gái người Cơ Tu, ngồi ôm bó hoa xuyến chi bên đường. 2 chúng tôi đã mang đến cho em một sự sợ hãi, khi chiếc xe bị phanh gấp, tôi nhanh như chớp lôi máy ảnh ra. Em bé bỏ lại bó hoa, chạy đi và oà khóc. Lúc ấy, tôi chỉ muốn mình không có máy ảnh nữa, tôi cũng không lấy đi khoảnh khắc đẹp đẽ của riêng em nữa. Tôi vô tâm đến mức túi kẹo lại để ở xe khác. 2 đứa đành quay đi, để lại sau lưng là những giọt nước mắt thơ trẻ và những cánh hoa xuyến chi trắng tinh vụng dại.

Chúng tôi đã đi rất nhanh khỏi những giọt nước mắt ấy. Nửa tiếng sau, tôi quay lại, vẫn chỗ cũ, khi mắt em đã khô, đưa vài chiếc bỏng, như một lời xin lỗi. Tôi không chụp ảnh nữa, quay lại, chỉ đơn giản là quay lại mà thôi. Tôi nhận ra rằng những gì đẹp đẽ không hẳn là những bức ảnh, mà ở trong chính tâm hồn mình.
Xem tiếp >

Du lịch, GO! - Theo Autocar Vietnam

0 comments:

Post a Comment