Tuesday, August 6, 2013

Ma uống rượu trên đỉnh Sê San

(Congly) - Vùng đất còn tồn lưu tục lệ nuôi ma của người Jrai nằm chênh vênh trên đỉnh đèo Sê San hùng vĩ, thuộc địa phận xã Ia M’nông, huyện Chư Pảh, cách Pleiku gần 100km. Tách biệt với thế giới bên ngoài, Ia M’nông tồn lưu nhiều tục lệ kỳ bí.

< Một góc núi rừng Ia M’nông.

Anh Nguyễn Phi, công nhân thuỷ điện Sê San kể: “Dăm năm trước, người Ia M’nông chôn chung mả, vì người Jrai tin rằng, nếu khi chết được ở “chung nhà” với bà con than thích sẽ đỡ buồn tủi. Vậy là có ai chết,  cả làng lại ra rừng ma quật mồ, moi áo quan nhét người chết vào chôn chung”.

Đường ma ớn lạnh!

Phi nói thêm trong giọng đầy sợ hãi: “5 năm làm thuỷ điện, tôi chứng kiến nhiều lần cảnh người ta quật mồ, nhét người chết vào cái áo quan bằng gỗ chik, bên trong có xác người chôn cách đấy không lâu bị trương sình…  Khi ấy mùi tử khí phả nồng nặc”.

< Một góc núi rừng Chư Pảh.

La M’nông hiểm trở, làng Dip lại là nơi sâu xa nhất, nên hiếm khi có người đặt chân đến. Nơi nuôi ma nằm trong “rừng ma” – nơi được xem như cấm địa, không ai được đặt chân tới, nếu không phải tiễn đưa người chết… hoặc nuôi ma. “Sợ con ma bắt lắm” – cô Siu Bạc, 18 tuổi, nói. Các già làng ai nấy đều rùng mình khi nhắc tới rừng ma. Già làng cho rằng nếu tự ý vào rừng a sẽ bị con ma theo dấu, theo mùi về đến tận làng, tạo nên dịch khiến nhiều người đau bệnh rồi chết…

Trong quá khứ, đã từng xảy ra trường hợp một người tự ý vào rừng ma, gây hại chết rất nhiều người. Thầy cúng không thể loại trừ được con ma rừng gây hại, vậy là trưởng làng ra lệnh đốt làng rồi dời làng đi nơi khác.

Anh Rơ-chăm Linh, ở làng Duch I, cách làng Dip khoảng dăm kilômet đường rừng là một người hiếm hoi chịu dẫn lối chúng tôi. Linh 25 tuổi, có vợ và 2 con, bỏ nhỏ: Chiều muộn có chị Rơ-chăm Lan thường ra ngồi bên mộ chồng vừa trò chuyện vừa bón thức ăn cho người dưới mộ.  

< Cận cảnh một ngôi nhà ma vã những vật dụng mà người sống chia cho người chết theo tục chia của.

Gần 2h đồng hồ nếm trải đủ màn ớn lạnh với nỗi lo bị thú dữ tấn công, bị rắn độc cắn, sụp hầm, bị cây rừng hoai mục rớt đè…, rồi Rơ-chăm Linh cũng đưa được chúng tôi đến rừng ma.

Cuộc chuyện trò giữa hai thế giới

Rừng ma là vạt đất trống ngổn ngang nhà mồ. Bên trong những nhà mồ có vô số vật dụng mà người sống chia cho người chết theo tục “chia của” gồm ché rượu, cái gùi, quần áo, cồng chiêng… Rơ-chăm Linh nói với người Jrai, chết không phải là hết. Nên người chết cũng cũng cần có rượu để uống, cần nhà để ở, cần có cái xà-gạc để đi rừng, cần người để làm bầu bạn!

Rơ-chăm Lan nhìn thấy chúng tôi, chỉ nói một câu: “Mình ra rừng ma, ghé mộ chồng nuôi ma” rồi ù chạy ra khỏi rừng. Suốt một tháng trời,  Rơ- chăm Lan đều đặn đem cơm, rượu ra nhà mả cho chồng. Chị ngồi kể cho chồng nghe mọi câu chuyện diễn ra hàng ngày ở làng. Và chị tin rằng, chồng chị sẽ nghe được, sẽ ăn cơm và uống rượu như ngày thường. “Nếu không cho người chết ăn, nó như con ma đói, nó theo quấy rối người sống, quấy phá người làng” – Rơ – chăm Linh giải thích.

< Một phụ nữ ở làng đang… cho ma ăn cơm uống rượu.

Theo lời kể của già làng Rơ-chăm Phiếu, khi chôn ma, thầy cúng sẽ làm lễ khấn để người chết nhập với làng ma: “Khấn xong đâu đó rồi quan tài mới được hạ huyệt. Lúc này người ta sẽ chôn một ống tre đã chặt sẵn, đã thông nối hai đầu, chôn ở đầu quan tài và lấp đất. Hằng ngày thường thì vợ hoặc chồng người chết sẽ đưa cơm, rượu, muối xuống cho người chết qua cái ống đó”.

Sau thời gian nuôi ma khoảng 1 tháng, luật tục qui định tuỳ điều kiện mà gia đình người chết phải mổ trâu hoặc heo tại nhà mả trong một hoặc hai ngày để đãi làng. Sau nghi lễ này, người nhà sẽ không phải ngày ngày đưa cơm rượu ra nhà mả nuôi ma: “Lúc đó thì vài tháng một lần, gia đình có người chết mới đi thăm mả, mới đem rượu cho ma uống, đem cơm cho ma ăn, đánh chiêng cho ma nghe… đến khi nào làm lễ bỏ mả thì chấm dứt”.

Từ khi hạ huyệt chôn ma đến 1 năm sau và cứ mỗi năm một lần, đến mùa hoa pơ-lang nở (hoa gạo), thân nhân của người chết sẽ đến rừng ma, đến huyệt mộ người thân sửa sang nhà mả, làm cỏ… Phong tục này được duy trì cho đến khi gia đình người quá cố có điều kiện làm lễ bỏ mả (pơ-thi) – nghi lễ được các nhà dân tộc học đánh giá là lễ hội độc đáo nhất của tộc người, là nghi lễ cuối cùng của người Jrai mà tộc người quan niệm đấy là thời điểm người chết được hồi sinh, từ đây vĩnh viễn về với thế giới tổ tiên-thế giới mà mọi thứ đều khác biệt với thế giới thực tại.

< Phong tục "nuôi ma" của người Ia M'nông.

Hôm ấy, trong câu chuyện về tục lệ nuôi ma giữa rừng già Ia M’nông, các già làng còn kể nhiều luật tục cử kiêng gắn liền với hành trình về cõi a-tâu (cõi ma) của người quá cố. Đó là câu chuyện về những luật tục bí ẩn quanh việc vào rừng chọn cây cổ thụ đẵn áo quan cho người chết, tục nhập quan của người chết, tục khấn tiễn đưa linh hồn người chết về với thế giới ma…

Không có hình dáng của hủ tục, “nuôi ma” là luật tục truyền đời của người Jrai ở Gia Lai, là cách mà người sống thể hiện, bày tỏ ân tình, trách nhiệm, sự quyết luyến với người nằm xuống. Qua bao dâu bể và những cuộc xâm lấn của các luồng văn hóa, điều đáng mừng là tập tục này vẫn được cộng đồng người Jrai gìn giữ, trở thành nét chấm phá đặc sắc trong kho tàng văn hóa phi vật thể của tộc người cùng cao không lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác.

Kết nối âm dương bằng ống tre

< Khu nhà mồ.

- Người sống nuôi ma bằng cách nào, thưa già?
- Ồ, dễ thôi mà, chỉ cần đổ cơm, thức ăn bỏ vào ống tre nối với huyệt mộ! – già làng Rơ – chăm Phiếu nói.
Để cụ thể hơn, già làng Rơ-chăm Phiếu kể lại hành trình đưa người chết về với thế giới ma. Khi được đặt vào áo quan, người chết sẽ được những thanh niên lực lưỡng của làng đưa ra rừng ma. Tại đây, quan tài được đặt cạnh huyệt mồ. “Lúc đó, người nhà sẽ mở nắp quan tài cho người thân nhìn mặt người chết lần cuối. Rồi mọi người đổ thêm muối, gạo, nhét thêm đồ dùng cá nhân cho người chết. Đâu đó rồi mới đập nắp quan tài, hạ huyệt” Và chiếc ống tre sẽ được để thông từ quan tài lên mặt đất, hàng ngày những hồn ma uống rượu, ăn cơm và nghe kể chuyện từ người thân.
Xem thêm

Theo Bình An (Công Lý)
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment