Từ trung tâm thành phố Huế, nếu xuôi theo Quốc lộ 49 về hướng Đông khoảng 14 km sẽ đến thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, nơi có nhiều tàu thuyền cập bến cửa biển này. Vượt cầu Thuận An, du khách đến với dải đất trải dài theo hướng Bắc – Nam nằm giữa biển Đông và đầm phá Tam Giang rộng lớn. Tiếp tục xuôi về hướng Nam cách thị trấn Thuận An 14 km là đến xã Phú Diên, huyện Phú Vang.
Xã Phú Diên là một xã vùng biển với đất pha cát trải dài, phía bắc giáp Bắc giáp xã Phú Hải, phía Nam giáp xã Vinh Xuân. Từ xã Phú Diên, nếu băng qua xã Vinh Xuân, tiếp tục xuôi về phía nam dọc theo Quốc lộ 49B, vượt cầu Trường Hà sẽ đến Quốc lộ 1A, thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo gia phả tại đình làng Kế Sung và từ lời kể của các cụ già xã Phú Diên, trước thời Trần cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế, vùng đất này thuộc đất Chămpa và trở thành đất Đại Việt trong sự kiện vua Chămpa Chế Mân dâng Châu Ô và Châu Rí để làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân. Vùng đất này được “khai căn” bởi một vị quan thời Trần, nơi “khai căn” đầu tiên chính là thôn Kế Sung ngày nay.
Trước năm 1945, vùng đất Phú Diên có tên là tổng Kế Mỹ. Sau năm 1945, vùng đất này mang tên là Phú Hòa. Đến năm 1949, vùng đất từ Hòa Duân (thuộc xã Phú Thuận ngày nay) đến Khánh Mỹ ( thuộc xã Vinh Xuân ngày nay) có tên là xã Phú Hải (bao gồm các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên và một phần của xã Vinh Xuân ngày nay).
Với chính quyền cách mạng, tên Phú Hải được dùng đến năm 1974. Trong khi đó, từ năm 1954, chính quyền VNCH đã đổi tên vùng đất này là xã Phú Sung, đến năm năm 1974, xác định mốc giới và đổi tên thành xã Phú Diên.
Sau năm 1975, chính quyền cách mạng tiếp quản, tên xã Phú Diên được giữ nguyên cho đến ngày nay. Qua bao thế hệ, người dân Phú Diên đã khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất ven phá Tam Giang và hình thành 7 thôn hành chính như hiện nay gồm: Kế Sung Thượng, Thanh Mỹ, Kế Sung, Mỹ Khánh, Thanh Dương, Phương Diên, Diên Lộc với chiều dài chạy theo Quốc lộ 49B khoảng 7 km.
< Bậc thang xuống tháp Mỹ Khánh.
Quốc lộ 49B cũng chính là con đường huyết mạch nối liền Phú Diên với các vùng lân cận. Ngoài giao thông đường bộ, từ Phú Diên có thể đi đến các nơi thông qua đường thủy trên phá Tam Giang hoặc biển Đông.
Trước kia, người ta chỉ biết đến Phú Diên với ngôi Tháp Chăm Pa có từ thế kỷ thứ VIII. Tháp được đặt tên là Mỹ Khánh do được tìm thấy ở thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên. Tháp Chàm được vùi sâu dưới lòng cát từ 5 – 7 m, thấp hơn mực nước biển hiện tại là 3-4 m và chỉ cách mép nước biển 120m.
Tháp có hình đồ kiến trúc hình chữ nhật dài 8,22m, rộng 7,12m. Cấu trúc xây dựng tháp gồm phần móng tháp, đế tháp, chân tháp, thân tháp, diềm mái tháp và lòng tháp.
Nghiên cứu bước đầu cho thấy tháp Mỹ Khánh thuộc dạng tháp Lùn trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm. Ðây là nhóm tháp khởi đầu của kiến trúc tôn giáo Chàm khi chuyển sang xây dựng bằng chất liệu bền vững, và là một trong những kiến trúc tháp có niên đại sớm nhất trong lịch sử kiến trúc tháp Chàm hiện nay. Đây là ngôi tháp Chàm cổ còn khá nguyên vẹn so với những công trình kiến trúc Chàm khác được tìm thấy trong khu vực Thừa Thiên Huế.
Cách 5m phía trước cửa chính của tháp có một bệ thờ được xây hình khối vuông bằng chất liệu gạch với kỹ thuật mài xếp liền khít cao 1,4m, cạnh dài 1,38m, chính giữa bệ còn một lỗ tròn đường kính 0,19m mà các nhà nghiên cứu nghi rằng trước kia đây là nơi đặt tượng thờ.
Giờ đây, ngoài tham quan tháp, du khách còn được thỏa mình thư giãn bên bờ biển đẹp Phú Diên như một sự kết hợp hoàn hảo. Bãi biển cách trung tâm thành phố Huế chừng 30km về hướng Đông Nam, mang trong mình vẻ hấp dẫn của một bãi biển mới.
Biển Phú Diên dài khoảng 7.5km, phía trên là rừng dương mát, bãi cát có độ lài trung bình, sóng nhẹ vỗ vào nền cát vàng nhạt và rất sạch vì vẫn còn ít người biết đến.
Biển Phú Diên còn được lòng du khách bởi sự hiếu khách của người dân. Với niềm tự hào về biển và mong muốn làm đẹp cho quê hương, những người dân sống ở đây luôn niềm nở, hài hước nhưng cũng không giấu được vẻ thật thà chất phác.
< Khách tắm biển ở Phú Diên.
Khách đến đây sẽ không mất tiền giá chòi nghỉ, tắm nước ngọt, giữ xe... nếu sử dụng các món ăn, thức uống với giá hết sức phải chăng tại quán (hiện này có 3 quán: Tuổi Hồng, Lá Huệ và Hải Triều).
Chính quyền địa phương cũng thường xuyên kiểm tra việc niêm yết giá và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, tình trạng “chặt chém” khách không hề tồn tại như một số bãi tắm khác. Người ăn xin, bán hàng rong đeo bám khách hầu như không xảy ra.
< Hoàng hôn về trên biển.
Vấn đề an toàn vui chơi tắm biển của người dân và du khách được chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Bên cạnh những người dân cứu hộ, đội biên phòng luôn sẵn sàng túc trực ở chòi canh và kịp thời ứng cứu nếu có tình trạng không may xảy ra.
Một ngày trên biển Phú Diên, du khách sẽ cảm nhận được sự thoái mái, bình yên từ bãi biển và tình cảm mến khách của người dân nơi đây. Biển không xô bồ, đông đúc, thích hợp cho những chuyến vui chơi gia đình... và rất có thể cũng là điểm dừng chân của bạn đó chứ?
Du lịch, GO! - ảnh từ internet
0 comments:
Post a Comment