(TBKTSG) - "Nhớ về thăm lại Trà Ôn, tháng Giêng mùng 4 giỗ Ông Ngọc Hầu!” là lời nhắn nhủ mọi người dân khu vực nầy nhớ đến tham dự lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn tại thị trấn Trà Ôn tỉnh Trà Vinh. Đây là lễ hội đầu năm duy nhất diễn ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
< Ao sen trước sân lăng Ông.
Lễ hội diễn ra liên tục trong ba ngày ba đêm, bắt đầu từ sáng mồng 2 tết Nguyên đán hằng năm. Phần lễ trang trọng với nghi thức cổ truyền. Phần hội rôm rả với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, nổi bật nhất là cuộc thi gói bánh tét - đặc sản đặc sắc của đồng bào lưu vực sông Cửu Long.
Ngày tết Nguyên đán, dù thiếu vật thực nào cũng được người dân nơi đây bỏ qua, nhưng nhất thiết phải có những đòn bánh tét cúng rước ông bà đón xuân mới. Ngày hội gói bánh tét có sự tham gia của đông đảo bà con địa phương, đều là những người giỏi tay nghề, biễu diễn nghệ thuật ẩm thực cổ truyền của gia đình mình trước sự dự khán của khán giả mộ điệu.
< Múa trống sa-dăm là bộ môn nghệ thuật của đồng bào Khmer biểu diễn trong buổi cúng Ông.
Các cuộc thi đấu bóng chuyền, các trò chơi dân gian: kéo co, đẩy gậy, đá bóng mù... cũng thu hút đông đảo bà con. Không khí càng thêm sôi động, rôm rã với lễ hội dâng bông. Dâng bông là cổ tục đẹp dành dâng cúng rước thần linh tại các đình vào những ngày lễ kỳ yên trọng đại trong năm. Trong tiếng trống, tiếng kèn, tiếng thanh la, não bạt rền vang, các bà đồng trong trang phục rực sỡ, trang điểm đẹp, liên tục biểu diễn nghệ thuật uốn dẻo và giữ thăng bằng. Tài nghệ điêu luyện của họ đã hớp hồn tất cả mọi người dự khán. Không khí buổi lễ trở nên êm đềm vào buổi tối với các buổi biểu diễn đờn ca tài tử của các câu lạc bộ văn nghệ “cây nhà lá vườn”.
Người xem hòa lắng hồn mình trong tiếng nhạc, điệu kèn, lời ca trong cung bậc ngũ âm dặt dìu quyến rũ. Rồi các đoàn lân nhào lộn ngoạn mục, rộn ràng trong tiếng trống thúc giục lòng người. Thống chế Điều bát là người dân tộc Khmer nên có năm đoàn nghệ thuật Khmer địa phương biểu diễn các điệu múa dân gian như múa rô-băm, múa trống sa-dăm, hát dù-kê... Cũng như các buổi cúng đình khác, đoàn hát bội ngày nào cũng trình diễn các vở tuồng, như Thạch Kim kê đả hổ”, Ngọc kỳ lân xuất thế, Tiêu Anh Phụng, Đào Tam Xuân ... Tất cả thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt, Hoa, Khmer một cách hài hòa, thể hiện lòng dân rất mực tôn kính.
< Cổng Lăng Ông ở thị trấn Trà Ôn vào ngày hội.
Nguyễn Văn Tồn, được vua nhà Nguyễn ban chức Thống chế Điều bát, người Trà Ôn tôn gọi là “Ông”, “Ông Lớn”, lăng gọi “Lăng Ông”. Khu lăng mộ Thống chế Điều bát được xây dựng năm Canh Thìn (Minh Mạng nguyên niên, 1820), rộng khoảng 8.000 m2, cách thị trấn Trà Ôn 2km với nhiều cổ thụ quý như sao, dầu, dương, da cùng các loại hoa kiểng tạo không khí mát trong, thanh thoát.
Từ ngoài nhìn vào, tam quan và hàng rào quanh lăng Ông được xây dựng năm 1963, phục dựng năm 1994. Hai bên cổng có cặp liễn đối: “Huân danh chiếu nhật tự cập thiên thu / Đức nghiệp sơn hà tình thương tứ hải”, tạm dịch: “Muôn đời công danh sáng chói truyền tụng / Sự nghiệp với non sông yêu thương bốn biển”. Bên trong khuôn viên có bức bình phong vẽ hình long hổ. Trước chánh điện là võ ca và cột cờ cao 10 mét treo cờ soái. Võ ca xây dựng năm 1953 bằng vật liệu nặng, có 4 cột tròn. Các đầu mái võ ca trang trí hình đồng tiền bằng sành; mái lợp ngói âm dương, bên trên có tượng lưỡng long tranh châu, cặp cá hóa long. Hai bên cửa võ ca đặt tượng hai kỳ lân oai dũng. Nổi bật là tấm hoành phi sơn son thếp vàng với bốn đại tự “Hộ quốc an dân”.
< Đoàn lân Lăng Ông trổ tài trước sự háo hức dự khán của bà con.
Chánh điện rộng khoảng 200 mét vuông, có tứ trụ nâng đỡ tạo thành mái hình bánh ít, xuyên câu. Mái lợp ngói âm dương. Đầu mái có hoa văn đồng tiền sành. Trên nóc có đôi rồng chầu nhật nguyệt. Có ba cửa vào chánh điện. Bên trên cửa chính có bảng khắc chữ nổi “Mỹ Thanh hội quán”. Hai bên cửa có cặp liễn đối diễn tả ý nghĩa Mỹ Thanh: “Mỹ đức tất hữu lâm châu liên bích hợp / Thanh lý an nghiệp ngọc túy kim hòa năng” (Đất Thiện Mỹ luôn tốt đẹp như viên ngọc / Giồng Thanh Bạch được an cư lạc nghiệp).
Giữa chánh điện là bệ thờ các vị: Tả quân Lê Văn Duyệt, Bình Tây Đại nguyên soái Trương Công Định và Hồ Chủ tịch. Hai bên là lỗ bộ bằng đồng sáng bóng. Sau bệ thờ này là hương án thờ Ông Thống chế Điều bát, gồm một khánh chạm trổ rất tinh xảo, một tráp gỗ sơn son thếp vàng đựng sắc phong, một chân dung Ông Dung Ngọc hầu Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn. Trên đầu khánh thờ là tấm bảng chữ vàng “Cung thánh chúc”, hai bên có 2 câu đối: “Vạn cổ uy danh lưu vương khí / Thiên thu linh tích kiều anh phong” (Vạn năm còn uy danh tốt / Muôn đời là vị anh hào).
< Bàn thờ Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn.
Phía sau chánh điện là lăng mộ Ông Bà Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, song táng theo kiểu “càn khôn hiệp đức”, được xây dựng năm 1820 có kết cấu bằng vôi và ô dước, mật ong, đường. Mộ Ông cao hơn mộ Bà. Trước mộ có tấm bình phong với hai câu đối: “Hoa di cộng ngưỡng / Mân Quảng đồng tri ân” (Người Hoa, người Khmer đồng ngưỡng mộ / Người Việt, người Hoa đều nhớ ơn). Vòng thành bao quanh mộ được xây dựng năm 1960, trên có các búp sen, tượng cá hóa rồng, lân quy cùng nhiều hoa văn sắc sảo. Phu nhân Thống chế Điều bát được trọng vọng như vậy là vì lúc sinh thời đã giúp chồng nhiều công việc binh cơ và làm nhiều việc nghĩa đối với nhân dân trong vùng như xây dựng chùa, miếu, cấp gạo, thực phẩm cho dân nghèo... Công đức như vậy nên bà được vua Minh Mạng ban mỹ tự Hiền thục phu nhân Thống chế đại quan chi thần vào năm 1828...
Người Khmer mang họ Nguyễn
Dung Ngọc hầu Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn tên thật là Thạch Duồng, sanh năm Quý mùi (1763) tại làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, dưới thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Ông là người Khmer, có tướng mạo khôi ngô, võ nghệ cao cường, tính tình cương trực. Vì vậy, Ông được Nguyễn vương phong chức cho trấn thủ ở Oai Viễn đồn (Trà Ôn) và đạo Trấn Giang (Cần Thơ), kiêm quân xuất hai phủ Trà Vinh và Mân Thít. Binh đoàn của Ông chiến đấu dũng mãnh, xuất sắc.
< Mộ Ông Bà Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, song táng theo kiểu “càn khôn hiệp đức” thời nhà Nguyễn.
Năm 1787, Ông theo chúa Nguyễn Ánh chạy sang Vọng Các (Bangkok, Thái Lan) tránh quân Tây Sơn. Năm sau, Ông trở về nước, theo Lê Văn Quân đánh Tây Sơn ở bảo Ba Lai. Khi chúa Nguyễn Ánh trở về nước, Ông được phân công trở về Trà Vinh, Mân Thít chiêu mộ dân binh, được giao quyền làm Nội thuộc Cai đội Thống quân, đóng đồn tại Cầu Kè, Trà Ôn, tiến hành khai khẩn đất hoang trồng trọt hoa màu.
Năm 1810, Cao Miên xảy ra nội chiến, quân Xiêm nhân cơ hội xâm lấn bờ cõi xứ nầy, Ông phụng lệnh triều đình theo đại quân Thoại Ngọc Hầu sang chiến đấu với quân Xiêm ở thành Lavek (Cao Miên). Thắng trận, uy danh Ông vang lừng và được ban ở lại trấn thủ thành Nam Vang với trọng trách bảo hộ xứ Cao Miên. Một thời gian sau, Ông được trở về trấn thủ Trà Ôn, Cầu Kè. Dịp nầy, Ông cùng dân binh ra sức khai hoang mở đất. Năm Gia Long thứ 10 (1811), Ông được triệu về kinh nhận ban thưởng và được thăng hàm Thống chế, tước Dung Ngọc hầu. Năm 1819, Ông được triều đình bổ vào chức Điều bát nhung vụ, dẫn một đoàn dân binh Khmer đến Châu Đốc để cùng Thoại Ngọc hầu, Tuyên Trung hầu lo việc đào kinh Vĩnh Tế dài trên 100 km. Đây là con kinh có vị thế chiến lược vô cùng quan trọng về kinh tế và quân sự ở biên giới Tây Nam đất nước... Do có công lao to lớn, Nguyễn Ánh ban cho Ông “tứ danh” Nguyễn Văn Tồn.
Do lao tâm lao lực với đất nước, với nhân dân, ngày mùng 4 tháng Giêng năm Canh thìn (1820), Tiền quân Nguyễn Văn Tồn bị bệnh mất tại Trà Ôn. Triều đình Huế phái đại thần mang phẩm vật vào làm lễ tế với nghi thức long trọng trong 3 ngày. Ông được triều đình sắc phong Thành hoàng Bổn cảnh Trung dũng Thiên trực. Nhân dân Trà Ôn vô cùng đau xót, thương tiếc, tôn kính Ông như một bậc tiền hiền có công khai hoang mở cõi mảnh đất nầy. Năm 1828, vua Minh Mạng sắc phong Ông là Trung đẳng thần, hàm ân Trung dũng Thiên trực, tước Dung Ngọc Hầu.
Lăng Ông đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996. Hằng năm, cứ vào ngày mồng 2, mồng 3 và mồng 4 tháng Giêng âm lịch là lễ giỗ ông được tổ chức rất trọng thể, quy tụ hàng vạn người dân xa gần đến cúng bái. Đây là ngày hội trùng vào dịp đầu xuân, vừa mang ý nghĩa cầu phước, vừa mang ý nghĩa văn hóa truyền thống dân gian. Lễ giỗ với các nghi thức cổ truyền: túc yết, chánh tế, tế tiền hiền - hậu hiền, xây chầu, đại bội và hát bội, tỏ lòng nhớ công lao tiền nhân trong bước đường khai hoang mở đất, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là đạo nghĩa của dân tộc ta.
Theo Cát Lộc - Cúc Tần (The Saigon Times)
Du lịch, GO!
0 comments:
Post a Comment