Friday, March 14, 2014

Lang thang ngoại ô Sàigòn (C - P5)

(Tiếp theo) - Rời Lý Nhơn, mình trở ra An Thới Đông để chạy xuyên con đường giữa vạt rừng Sác ra lại trục đường chính: con đường thênh thang từ 4 đến 6 làn đường kéo dài từ Bình Khánh qua An Thới Đông, Long Hòa đến thị trấn Cần Thạnh - nơi có vùng biển duy nhất của TPHCM là Cần Giờ.

Ra đường Rừng Sác, trở về Bình Khánh rồi qua phà về nhà ư? Lúc này mới 9h, về thì 'phí của' vì Cần Giờ đang cuối mùa xoài. Mà cái dòng xoài cát ngon tuyệt lắm, bạn có biết không? Xoài Cần Giờ trái to, vàng ươm với vị vừa ngọt vừa thơm nhưng giá khi rộ mùa chỉ có 20k/kg (do cách đấy tầm hơn 1 tuần, nửa kia đã xuống đó mua về). Vậy thì trực chỉ vùng đất biển thôi! Sẳn dịp này, ta ghé luôn cửa biển Đồng Tranh một lần cho biết.

Đường đi Cần Giờ mình đã post trong Du lịch, GO! vài lần nên nay không nhắc lại nữa. Vậy nên trong bài, mình sẽ đề cập đến một số thông tin về Cần Giờ mà không phải ai cũng biết.

Rừng Sác là tên gọi rừng cây ngập mặn thuộc huyện Cần Giờ, TPHCM. Nơi đây là căn cứ kháng chiến của quân và dân ta chống lại các thế lực ngoại bang xâm lược đất nước. Với vị trí án ngự vùng cửa biển và địa hình sông nước rừng rậm hiểm yếu, Rừng Sác trở thành "trận đồ bát quái" đối với quân giặc. Năm 1966 Quân ủy Trung ương quyết đinh thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác.

< Đến ngã 3, mình rẽ phải để chuyển hướng về Cần Giờ. Phía trước là cầu Lôi Giang.

Trên vùng sình lầy nước mặn này, người dân Rừng Sác vốn mang đậm tính cách cần cù lam lũ "khoét rừng vớt nước”, thích tự do phóng khoáng, yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Do đặc điểm về địa lý, Rừng Sác trở thành nơi đọ sức quyết liệt giữa ta với quân thù. Trải qua biến động lớn lao trong lịch sử, Rừng Sác như người lính tiền tiêu canh giữ một vùng trời đất bất khuất kiên cường. Rừng Sác trở thành miền đất huyền thoại, thu hút sự chú ý của mọi người đặc biệt là đối với các nhà nghiên cứu địa lý, lịch sử thiên nhiên và giới văn học nghệ thuật.

< Đường về Cần Thạnh thì ai cũng biết là rất tốt, điều cần biết thêm là cũng rất dễ bị phạt... ngay cả dân địa phương. Hồi sau, mình sẽ nghe dân ở đây than phiền về vấn đề này...

- Vị trí địa lý của Rừng Sác?

Rừng Sác là rừng nguyên sinh ngập mặn thuộc huyện Cần Giờ, nằm ở hướng Đông Nam, cách trung tâm thành phố 8km (đường chim bay). Năm 1698, Rừng Sác - Cần Giờ là một làng thuộc tổng Bình Dương của huyện Tân Bình, nằm trong dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định. Năm 1832, triều đình nhà Nguyễn đổi trấn Phiên An thành tỉnh Phiên An và đến 1836, tỉnh Phiên An được đổi thành tỉnh Gia Định.

< Cầu Long Giang Xây 2 (vị trí).

Năm 1871, Cần Giờ được chia ra 2 tổng trực thuộc tỉnh Gia Định gồm tổng An Thít và tổng Cần Giờ. Năm 1920, Cần Giờ thuộc huyện Nhà Bè tỉnh Gia Định. Năm 1947, Pháp tách vùng Rừng Sác Cần Giờ (gồm cả tổng An Thít và tổng Cần Giờ) từ tỉnh Gia Định sang thị xã Ô Cấp (Vũng Tàu) để thiết lập một tỉnh mới là Cáp Saint - Jacques. Như vậy suốt thời gian chống Pháp, Cần Giờ nằm trong tỉnh Vũng Tàu.

< Các cầu trên tuyến này thường nhỏ so với mặt đường. Sau này, khi lưu lượng xe nhiều lên thì sẽ xây thêm cầu song song.

Sau hiệp định Genève năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm chia cắt và phân bố lại ranh giới hành chính gây ra nhiều xáo trộn. Hai tổng An Thít và Cần Giờ hợp thành quận Cần Giờ nằm trong tỉnh Phước Tuy (gom lại từ 2 tỉnh Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa). Năm 1959, từ quận Cần Giờ lập thành quận Quảng Xuyên. Đến năm 1965, chính quyền cũ chuyển hai quận Cần Giờ và Quảng Xuyên từ tỉnh Phước Tuy sang tỉnh Biên Hòa.

< Sắp đến cây cầu nổi tiếng ngày ấy: Cầu Dần Xây, nói lái là 'xây dần'...

Năm 1970 Cần Giờ, Quảng Xuyên lại chuyển về tỉnh Gia Định như cũ. Quận Cần Giờ gồm 5 xã: Cấn Thạnh, Long Thạnh, Đồng Hòa, Tân Thạnh, Thạnh An. Quận Quảng Xuyên có 4 xã: An Thới Đông, Bình Khánh, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp. Trong kháng chiến chống Mỹ, để thuận tiện cho chỉ đạo và hoạt động, ta vẫn coi hai quận Cần Giờ - Quảng Xuyên thuộc tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai) cho đến ngày giải phóng 30-4-1975.

< Qua cầu này thì nghỉ chân, chiết nước từ chai to sang 2 chai nhỏ để dễ uống.

Tháng 2-1978, huyện Cần Giờ (gồm cả Quảng Xuyên) nhập về thành phố Hồ Chí Minh và đổi tên thành huyện Duyên Hải. Đến cuối năm 1991 theo quyết định của Chính phủ, Cần Giờ trở lại tên cũ như hiện nay.

- Tại sao người xưa lại gọi là Rừng Sác?
< Rồi qua cây cầu cuối cùng trước khi vào địa phận thị trấn Cần Thạnh: cầu Hà Thanh.

Địa danh Rừng Sác từ lâu đã quen thuộc với mọi người, nhưng dường như có cái gì đó chưa thống nhất: "Sác" hay "Sát"? Nhiều sách vở ghi là Rừng Sác. "Sác" là tiếng Nôm chỉ rừng nước mặn trên bãi biển sình lầy. Nhưng cũng có sách ghi là Rừng Sát, hàm ý là rừng cây thấp sát mặt nước, hay rừng lấn ra sát biển. Chính một số anh em Trung đoàn 10, những chiến sĩ đặc công bám trụ đánh giặc cả chục năm trời trong Rừng Sác cũng nói và viết là "Rừng Sát".

< Cần Thạnh đây rồi.

Có người lại cho rằng sở dĩ có hai tiếng Rừng Sác là bắt nguồn từ chữ "rừng sắc" mà ra. Ý nói rừng ở đây có nhiều sắc, lá có nhiều màu. Tuy nhiên số đông cho rằng sở dĩ gọi là Rừng Sác, là vì ở vùng rừng nước mặn này loài cây sác hay còn gọi là cây mắm mọc thành rừng thành bãi, đi đâu cũng gặp. Giống cây này thuộc dòng họ với cây sú, vẹt, đước... thân không cứng lắm, cây không cao, nhưng có bộ rễ rất khỏe cắm chắc xuống sình lầy nước mặn. Chúng chỉ quen sống ở đất mặn, có sức chịu đựng bền bỉ với thổ nhưỡng khắc nghiệt và sóng gió của biển.

< Rồi mình tới chốn mà nhiều người gọi là 'bùng binh sát thủ', cái nơi mà rẽ không bật signal hay chạy chạy không đúng làn (hồi mới, cái cục vòng tròn giữa nhỏ xíu nên khó đúng làn, nay đã mở lớn thành bồn hoa). Vậy nhưng trong chuyến này mình không gặp bất kỳ anh CSGT nào.

Cũng có người lập luận rằng: gọi sai từ "sác" là do cách phát âm của người miền Nam không phân biệt chữ i và c. Vì thế gọi "sác“, ra "sát", giống như gọi "Các Lái" ra "Cát Lái" (Có ý kiến cho rằng địa danh Cát Lái hiện tại chính là "Các Lái" vì ngày trước "các lái buôn" thường tụ tập ở ngã ba sông để buôn bán, về sau người ta bỏ chữ buôn đi cho gọn là "các lái”, đọc theo âm miền Nam là Cát Lái, gọi mãi thành danh ngã ba "Cát Lái").

< Mình rẽ phải đi Long Hòa.

Tóm lại Rừng Sác đã tồn tại hàng trăm năm từ thuở Bến Nghé - Đồng Nai, nhưng đến đầu thế kỷ XX này thì cái tên Rừng Sác vẫn chưa phải hoàn toàn thống nhất. Mặc dù vậy, địa danh Rừng Sác với ý nghĩa lịch sử và tính chất địa lý thiên nhiên đặc thù của nó, đã đi vào sử sách và lòng người như một kỳ tích anh hùng và một môi trường sinh thái có một không hai ở Việt Nam.

- Cư dân Rừng Sác có từ bao giờ, bạn biết không?

< Chạy vài mươi thước qua bùng binh thì đường nhỏ lại còn 2 làn.

Tuy người ta chưa được xác định được thật rõ ràng nhưng những thông tin còn sót lại cho thấy Rừng Sác đã có người ở từ thời bộ lạc. Ở gần ngã ba Thiềng Liệng giữa một vùng phù sa bùn lầy lá mục, lại có hàng trăm gò đất màu vàng cháy và những gò đất đỏ bazan. Đào thử một số gò, năm 1980, ở gò Cái Trăm,người ta khai quật được 4 bộ xương người, nhiều vỏ ốc, sò, các tảng đá dài; trên đầu bộ xương có hoa tai bằng đồng... ở xã Long Hòa người ta cũng đào được 10 bộ xương, qua xét nghiệm nhận định đây có thể là xương người ở thế kỷ XVIII.

< Đường vào Long Hòa hai bên toàn là các vườn xoài, bạt ngàn. Hồi rộ xoài chính mùa, người ta che bạt đặt sọt bán đầy 2 bên.

Dân cư của Rừng Sác không phải là người chính gốc ở đây. Họ là người tứ xứ đến Rừng Sác làm ăn, sinh cơ lập nghiệp, phần lớn là những người lánh né chính quyền và mưu đồ "đại sự"... Với họ, coi như trên đầu không có kẻ quyền lực, dưới chân là đất thiêng một cõi, chim trời cá nước không thuộc của ai. Vì vậy, Rừng Sác có một đời sống xã hội dữ dội hơn thiên hạ.

< Lại gặp một ngã 3 (vị trí), trong thực tế thì nhánh nào cũng đi Long Hòa vì 2 nhánh này lại đấu đầu vào nhau.

Cùng bởi nơi đây tụ tập "anh hùng hảo hớn", "hào kiệt phi nhân" nên dưới thời cai trị của thực dân Pháp, chúng hầu như bất lực. Vì lẽ đó, bộ máy hành chính của xứ này cũng chỉ là tượng trưng cho lấy có. Khi thì Rừng Sác thuộc tỉnh Gia Định, lúc thì nằm trong tỉnh Chợ Lớn, có thời lại dính với Biên Hòa, Bà Rịa... Nói chung Rừng Sác là một vùng đất trôi qua dạt lại trong sự cai quản hành chính qua các thời kỳ, nhưng dân Rừng Sác bao giờ cũng vẫn là dân Làng Sác.

< Trông như một bến xe du lịch.

- Cần Giờ là pháo đài thép trấn giữ phía đông thành phố. Vậy bạn có biết lịch sử của những pháo đài ở cửa Cần Giờ không?

Ở cửa biển Cần Giờ và ngã ba sông Lòng Tàu, ngày nay những người đánh cá, đôi khi vẫn kéo lên được những mũi giáo đồng...
< Trường Tiểu học Long Thạnh.

... Phải chăng đầy là dấu tích binh khí của quân Tây Sơn ngày ấy Trên sông Lòng Tàu còn một tảng đá mà đêm đêm ở tây người ta thường nghe tiếng nước reo như mưa gào gió thét. Có truyền thuyết cho rằng đá hàn là công trình do ông cha làm để ngăn cản tàu Pháp, nhưng cũng có truyền thuyết cho rằng đá hàn là một vật cản mà Nguyễn Ánh bắt dân ta lâm để ngăn quân Tây Sơn.
Năm 1847, khi quân Pháp muốn gây hấn chiếm nước ta, vua Thiệu Trị đã nói: "Gia Định là cửa lớn nhất của Nam Kỳ, cửa Cần Giờ lại rất trọng yếu..."

Lịch sử ghi lại rằng: 10 giờ sáng ngày 10-2-1859 (thời Tự Đức) tàu Pháp và Tây Ban Nha đánh vào pháo đài phòng thủ Vũng Tàu. Đến 5 giờ chiều thì pháo đài này thất thủ. Tiếp theo, ngày 11-2, quân Pháp chuyển sang tấn công cửa Cần Giờ để thọc sâu vào nước ta. Lúc đó, tại đây quân ta thiết lập nhiều pháo đài và vật cản để chặn tàu giặc.

< Vẫn là các vườn xoài, xoài Cần Giờ ngon tuyệt cú mèo, lại khá rẻ.

Với vũ khí tối tân hơn, quân Pháp pháo kích suốt dọc tuyến phòng thủ của ta trên bờ biển Cần Giờ gây thiệt hại nặng nề. Tuy vậy ta cũng bắn trả rất quyết liệt, các đội chiến thuyền gồm hàng trăm xuồng ghe cũng tỏa ra biển để tấn công tàu địch.

< Cua gắt có cả gương cầu để nhìn phía khuất.

Tuy nhiên ngày ấy, do súng ống của ta bắn không được xa, đạn bay tản mát nên không gây thiệt hại cho tàu giặc; ngược lại các thuyền của ta lần lượt bị đạn giặc bắn chìm, các pháo đài của ta hầu hết bị đạn đại bác Pháp làm vỡ tung và bốc cháy. Vị chỉ huy mặt trận này tử trận, quân ta khi ấy chết hàng ngàn người. Trận địa của ta trên bộ, dưới sông bị chọc thủng hoàn toàn.

Thế nhưng quân Pháp không dám đổ bộ, có lẽ vì rừng rú âm u, nhiều con sông nhỏ và sình lầy cản trở, chúng chỉ cố sức phá banh các vật cản để chuẩn bị vượt sông vào Sài Gòn...

Ba ngày đêm của năm 1858 ấy, những trận đánh ác liệt đã diễn ra trên sông rạch, đất đai Rừng Sác tạo nên những trang sử bi hùng còn lại đến ngày nay.

- Địa danh Giồng Cháy ngày nay có phải là một sự tích trong các trận đánh của pháo đài Cần Giờ?

< Rồi mình vào trung tâm xã Long Hòa, đây là khu dân cư Đồng Tranh.

Những sự tích về cuộc chiến đấu trên các pháo đài phòng thủ Cần Giờ cho đến ngày nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian. Và Giồng Cháy là một trong những trận đánh ác liệt nhất giữa quân ta và quân Pháp. Phương tiện chiến đấu của quân ta lúc ấy kém hẳn so với quân Pháp.

< Gặp chợ Long Hòa, mình rẽ trái theo hướng ra biển.

Các nghĩa binh của ta chỉ có trái tim và lòng trung thành quả cảm cộng với súng ống thô sơ, giáo mác, gậy gộc... nhưng vẫn cương quyết tử thủ tại một gò đất cao. Đánh mãi không chiếm được, giặc Pháp tức tối tập trung pháo nã vào. Khói lửa ngút trời; tất cả quan binh tử thủ oanh liệt hy sinh. Vì thế gò đất ấy sau được gọi tên là Giồng Cháy.

< Đường hướng ra biển thía này đây, chỉ 'đi mò' thôi.

Ngày nay có những vị thần được thờ cúng ở các đình chùa miếu mạo rải rác khắp Rừng Sác. Đó chính là những vị chỉ huy, những chiến sĩ đã trải mật phơi gan, lăn xả vào quân thù, một mất một còn với bọn giặc xâm lược trên mặt trận phòng thủ Cần Giờ năm 1858.

- Rừng Sác xưa nay vẫn là "thánh địa” của cá sấu. Vậy người dân Rừng Sác xưa săn chúng như thế nào, bạn biết không? 

< Lóng lánh mặt biển bên tay phải, mình rẽ lần nửa vào con hẻm và 'đóng đô' ở quán nhỏ này.

Quả Rừng Sác là giang sơn của cá sấu nhất là ở các con sông, rạch lớn. Nó có hàm răng sắc và lực cắn rất mạnh, có thể ví như kềm cộng lực, khi đã xiết vào thì con mồi dường như khó bề thoát nổi. Cá sấu được mệnh danh là "chúa nước", là hiểm họa đối với con người nhưng chúng vẫn bị con người ta khuất phục.

Ở Rừng Sác có một kiểu săn cá sấu nguy hiểm không kém săn hổ. Dùng đèn và chĩa thịt chỉ bắt được những con "tí hon" 5 đến 10kg. Nếu câu bằng chó, vịt thì không đánh lừa nổi những con sấu nặng cả tạ. Muốn bắt được thứ sấu khổng lồ này người ta phải lấy thân mình làm mồi. "Người mồi" trước hết phải có gan và phải lão luyện, và chính đó là người thợ săn cá sấu.

< Biển thì ngoài kia, đi bộ chừng vài mươi mét...

Đầu tiên, thợ săn thả thử "con mồi thử” với lưỡi câu là hai thanh sắt nhọn hàn hình chữ nhật (nó không móc họng mà chống ngang mang cá sấu). Cá sấu chỉ lởn vởn mà không đến thì đó là con mồi lớn. Lúc đó "người mồi" xung trận. "Người mồi" trên mình có vẽ những đường rằn ri dữ lợn, trước ngực và sau lưng là bó phao tre, tay cầm một thanh lao bằng gỗ mun đầu bịt sắt, buộc một sợi dây dẫn hàng trăm mét.

< Đây cũng chính là vị trí mũi Đồng Tranh. Khám phá không? Dĩ nhiên rồi, nhưng trước tiên sẽ gọi cà phê uống và tán chuyện với những người địa phương thật dễ mến tại đây.

“Người mồi" lao ra giữa sông, xung quanh, các xuồng ghe đã phục kích sẵn sàng tiếp ứng. "Người mồi" đập nước rầm rầm cho cá sấu nghe mà tới... Khi nó xuất hiện thì đã ở sát bên "người mồi". Và cuộc giao chiến bắt đầu. Sấu nhào tời táp, cổ họng hả ra. Lập tức nước tràn thành sóng...

< Phía trong có ngôi đình, tất cả mình sẽ đề cập trong bài sau nhé.

Nước dạt ra, "người mồi" càng xáp tới. Sấu không chịu thua, người lừa thế đâm vào hông, thả dây rồi bơi vào bờ. Cá sấu bị trọng thương tìm về hang, rúc vào bùn. Số xuồng ghe phục kích lao ra theo sợi dây lần đến nơi cặp hai bên lườn cá sấu, kè về bến.

Những thợ săn cá sấu hợp thành từng "gánh" hoạt động trong Rừng Sác, mãi cho đến hết thời kháng chiến chống Pháp vẫn còn những gánh săn sấu như gánh ông Tư Xe ở vùng Lý Nhơn, họ thường chỉ lấy da, còn thịt cho bộ đội.
Rừng Sác mãi là mảnh đất anh hùng với những người anh hùng, bạn thấy đúng không?

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment