Tuesday, April 1, 2014

Hang Bệnh viện ở động Nok Ann

(ANTĐ) - Xuôi theo dòng sông Mã oai hùng, có những địa danh nơi Trung đoàn 52, Trung đoàn Tây Tiến từng chiến đấu, hy sinh và để lại biết bao chiến công vang dội.

< 'Nhân dân Hủa Phăn mãi mãi nhớ thương đoàn quân Tây Tiến' được khắc trên tháp tại di tích lưu niệm trung đoàn 52 Tây Tiến.

Điểm mốc đầu tiên trên con đường Tây Tiến năm xưa là Di tích lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến trên đỉnh đồi Nà Bó thuộc tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu. Mấy chục năm qua đi nhưng di tích đồn Mộc Lỵ vẫn hằn sâu những vết đạn cày. Dưới chân đồi, một tấm bia đá ghi lại lịch sử và di tích tưởng niệm sự hy sinh của 52 chiến sỹ trong trận đánh khốc liệt giành lại vị trí quan trọng vào bậc nhất trên đường lên Tây Bắc một thời xương máu.

Tôi thắp nén tâm hương cho những anh hùng liệt sỹ trước khi bắt đầu hành trình đi trên con đường của các anh, những người anh hùng Tây Tiến.

Tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào, một trong những địa danh diễn ra các trận đánh ác liệt nhất của đoàn quân Tây Tiến vẫn còn lưu lại nhiều di tích. Chặng đường từ cửa khẩu Pa Háng đến thị trấn Sop Bao rồi theo QL 6 dọc sông Nậm Ma đến Sop Hao (Mường Hào) để về Mường Lát, Thanh Hóa rất vắng vẻ, thi thoảng ẩn hiện trong triền núi là một vài bản làng. Cảnh vật tĩnh lặng và thanh bình.

< Thắp nhang tưởng niệm ở khu di tích lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Đến Sop Hao, một trong những địa danh quan trọng từng là phòng tuyến xưa kia do Thực dân Pháp xây dựng để ngăn chặn đoàn quân Tây Tiến. Tôi chạy vòng về phía cửa khẩu Tén Tằn cách đó không xa, chỉ để đánh dấu một địa danh lịch sử rồi quay lại con đường đến Sầm Nưa, địa danh từng được nhà thơ Quang Dũng nhắc đến ở cuối bài thơ Tây Tiến như một lời nhắn gửi về quyết tâm của đoàn quân Tây Tiến: “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.


< Thị trấn Viêng Xay thanh bình.

Tại thị trấn Viêng Xay, cách Sầm Nưa chưa đến 30 cây số, Nok Ann là một động đẹp với chiều dài hơn 600m và một con suối ngầm chảy qua lòng núi với những nhũ đá tí tách nhỏ nước quanh năm tạo ra những âm thanh huyền hoặc. Khách du lịch đến đây không mấy ai biết rằng ngay bên cạnh động Nok Ann trên sườn núi còn một hang đá rộng và bằng phẳng, nơi trước kia đoàn quân Tây Tiến từng sử dụng làm trạm quân y dã chiến khi ở nước bạn Lào.

Muang, cô hướng dẫn viên người Lào ở khu du lịch động Nok Ann khi biết tôi là người Việt bỗng trở nên hồ hởi, cô bảo vì tôi là người Việt nên cô sẽ dẫn tôi thăm hang Bệnh viện trước, rồi sẽ đi thuyền thăm động Nok Ann sau (hang Bệnh viện là cái tên mà người dân nơi đây vẫn dùng để nói về trạm quân y dã chiến khi xưa).

Hang Bệnh viện nằm chếch phía trên động Nok Ann, làng Natean, thị trấn Viêng Xay là một hang rộng với ba tầng hang thông nhau ăn sâu xuống lòng núi. Theo Muang giới thiệu thì tầng đầu là nơi đón tiếp bệnh nhân, thăm khám.

Gian thứ 2 ở thấp hơn là nơi lưu bệnh nhân. Gian trong cùng được dùng làm phòng phẫu thuật. Những đồ dùng, thiết bị trong hang Bệnh viện giờ không còn nữa, duy chỉ còn lại những bậc thang gỗ nối giữa các tầng hang và đôi chỗ lưu lại vết cháy trên nền đá, nơi từng được dùng làm bếp đun. Từng ấy thôi cũng đủ để chúng tôi có những khái niệm cụ thể một địa danh lịch sử mấy chục năm về trước.

Chiều xuống, tôi trở về thị trấn Viêng Xay. Thị trấn nhỏ với vài khu phố, hầu hết mọi công trình ở đây đều mới được xây dựng, nhiều công trình còn đang dang dở nên thật khó để tìm một chỗ nghỉ qua đêm. Tôi quyết định tiếp tục lên thành phố Sầm Nưa, trung tâm tỉnh Hủa Phăn và nghỉ lại nơi đây. Chuẩn bị cho một hành trình dài ở chặng tiếp theo trên con đường Tây Tiến…

Theo Vũ Thanh (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment