Friday, October 31, 2014

Cuối tuần du ngoạn Ninh Bình

(TBKTSG) - Khởi hành từ Hà Nội lúc 5 giờ sáng, chúng tôi cùng ba chiếc xe máy nối đuôi nhau theo quốc lộ 1A đi Ninh Bình.

Sau hơn hai giờ chạy xe vượt 95 cây số, chúng tôi đặt chân đến địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, cách thành phố Ninh Bình chừng 15km. Đích đến đầu tiên là chùa Bái Đính, sau đó sẽ là Tam Cốc - Bích Động, vốn được ví như một Hạ Long trên đất liền.
Chúng tôi bước vào khuôn viên chùa Bái Đính, nhìn các pho tượng uy nghiêm ẩn hiện trong làn khói hương trầm lãng đãng mờ ảo, có cảm giác như đang lạc vào cõi tiên với những điều kỳ bí, huyền diệu.

< Điện Tam Thế của chùa Bái Đính mới đồ sộ và hào nhoáng như cung điện của vua chúa ngày xưa.

Cắm hương nhang, niệm điều tâm phúc xong, chúng tôi đi lần theo ngách đá bên trái cuối động dẫn tới một hang nhỏ hơn; đó là hang thờ thần Cao Sơn, vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm. Thần Cao Sơn cùng với thần Thiên Tôn và thần Quý Minh là ba vị thần trấn ngự ở ba cửa ngõ phía tây, đông và nam của cố đô Hoa Lư.

Tiếp tục sải chân sẽ dẫn tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra. Đây là nơi có nhiều cây thuốc quý mà thiền sư Nguyễn Minh Không (Lý Quốc Sư, 1065-1141), người đã lập chùa cổ Bái Đính từ năm 1136, thường xuống hái lượm mang về chế thuốc. Ông là một thiền sư, pháp sư giỏi, được vua phong làm Quốc sư và nhân dân tôn sùng là đức thánh Nguyễn. Tương truyền khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông, đã phát hiện ra các hang động đẹp nên dựng chùa thờ Phật và lập một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân.

< Hành lang dẫn lên chùa gợi đến hình ảnh Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc.

Trở lại ngã ba đầu dốc, chúng tôi rẽ trái khoảng 50 mét là tới động Tiên. Động Tiên được tạo hóa ban tặng cho một trần nhũ rủ xuống muôn hình vạn trạng lung linh huyền ảo. Mỗi nhũ đá, mỗi hòn đá trong động Tiên là một kiệt tác, kết tụ tinh hoa của thời gian trên đá và chỉ có tạo hóa mới tạo nên những điều kì diệu đó qua hàng vạn năm.

Đi bộ lên núi với chặng đường khá dài nhưng có cảnh đẹp, có bạn đường và những điều tuyệt vời phía trước chờ đón nên ai trong chúng tôi cũng đều cảm thấy thích thú với chuyến du ngoạn có ý nghĩa tâm linh này.

Chiều xuống, những tia nắng đã bắt đầu vàng hơn và mặt trời dần khuất sau những dãy núi đá. Chúng tôi rời khỏi chùa Bái Đính trở về, chuẩn bị cho ngày hôm sau tiếp tục tham quan Tam Cốc - Bích Động (Ninh Hải - Hoa Lư), nơi được ví von là ‘Hạ Long trên cạn’ của Ninh Bình.

< Tam Quan Nội với 4 cột cái bằng gỗ nặng 10 tấn và ba tầng mái uốn cong ở bốn phía, lợp bằng ngói men ống Bát Tràng màu nâu sẫm. Tiếc là tấm biển đề chữ Hán, phần lớn người dân Việt không đọc được!

Phương tiện duy nhất để vào thăm khu di tích Tam Cốc - Bích Động là dùng thuyền. Con thuyền nhỏ đưa chúng tôi đi dọc dòng sông Ngô Giang, đi qua hàng trăm ngọn núi đá nhấp nhô, nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ thiên tạo với nét đẹp của đồng quê còn nguyên sơ mộc mạc và dân dã. Với nhiều hang động mây nước hòa quyện đưa con người chìm đắm vào thiên nhiên cùng với những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như đền Thái Vi, chùa Bích Động, hang Tam Cốc, động Tiên, chùa Linh Cốc...

Để có thêm những trải nghiệm thú vị, chúng tôi lần lượt thay nhau trực tiếp cầm mái chèo để đưa con thuyền tiến sau hơn vào khu Tam Cốc mà như người chèo thuyền vừa mách ở đó sẽ có nhiều điều thú vị. Càng vào sâu trong khu Tam Cốc, qua những câu chuyện với người lái đò chúng tôi đã hiểu hơn về vùng đất cố đô ‘địa linh nhân kiệt’ này.

< Tam Cốc - Bích Động hữu tình với núi non sông nước.

Chỉ khoảng 30 phút đi thuyền là chúng tôi có thể đến được với hang đầu tiên hay còn gọi là hang Cả, đây là nơi sông chảy luồn qua giữa lòng núi. Bên trong hang rất là tối và phía trên có rất nhiều nhũ đá với nhiều hình thù rất là lạ.

Rời khỏi hang Cả một bức tranh mở ra trước mắt chúng tôi với hai chất liệu chủ đạo là nước và đá. Ngay bên ngoài cửa hang là núi Chồng Sách, với những phiến đá được xếp gọn gàng như những chồng sách dày. Những dãy núi đá san sát nhau ở hai bên bờ sông là nơi người dân trong vùng nuôi dê, một đặc sản không thể bỏ qua khi khách du lịch đặt chân tới Ninh Bình.

Hang cốc thứ hai dài 60 mét với rất nhiều nhũ đá thật đẹp. Điều mà chúng tôi ấn tượng nhất là câu chuyện về ‘bầu sữa tiên’; tương truyền rằng nam nữ thanh niên chưa có gia đình đến đây sờ tay vào ‘bầu sữa’ này sẽ có được cuộc sống ấm no hạnh phúc (?!).

< Giếng Ngọc trong động Tối được tạo thành do nước lạnh từ nóc động rơi xuống.

Rời khỏi cốc thứ hai khoảng 10 phút đi thuyền, chúng tôi đến hang thứ ba. Hang thứ ba gần hang thứ hai, dài 50 mét, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hai hang trước. Đây cũng là điểm dừng chân của du khách khi tham quan Tam Cốc.

Buổi chiều nắng nhẹ, cả nhóm quyết định đi xe đạp, phương tiện rất thuận lợi, phù hợp địa hình khi đến với chùa Bích Động. Trên đường đi thỉnh thoảng bắt gặp những núi đá nhô ra mặt đường, chúng tôi cảm tưởng như đang lạc vào một thung lũng đá.

Ngay khi vào khu di tích ngôi chùa Hạ tọa lạc dưới chân núi Ngũ Nhạc Sơn, năm ngọn núi như năm cánh hoa sen chụm vào nhau hướng vào ngôi chùa Hạ trông thật đẹp mắt.

Chùa Bích Động là kiến trúc độc đáo, sở dĩ có tên Bích Động bởi kiến trúc của ngôi chùa được xây nguyên bằng đá xanh nguyên khối. Điều thú vị khi chúng tôi đến chùa Bích Động là được khám phá cây ổi cười. Bình thường cây ổi không rung, nhưng khi có người ‘gãi’ vào thân cây ổi sẽ rung mà người ta gọi là cây ổi cười.

< Khu hành lang dài dẫn đến điện Pháp chủ có đặt 500 tượng La Hán bằng đá.

Kết thúc hành trình thú vị trong hai ngày nghỉ cuối tuần đọng lại trong chúng tôi một tâm lý kỳ vọng, muốn vươn đến cái đẹp, cái thiện của tạo hóa. Và sự kỳ vọng đó đem lại trong mỗi chúng tôi niềm sảng khoái và tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn.

Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới (xây dựng từ năm 2003). Chùa mới nằm trên sườn núi, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Kiến trúc chùa mới hoành tráng, đồ sộ, phù hợp với tâm lý hiếu kỳ, thích hơn người và nhờ đó chùa Bái Đính nhanh chóng nổi tiếng với nhiều kỷ lục:

- Tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á (100 tấn).
- Tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (100 tấn).
- Chuông đồng lớn nhất Việt Nam (36 tấn).
- Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 hecta (chùa cổ 27 hecta, chùa mới 80 hecta).
- Chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á (gần 3km).
- Chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam (500 tượng đá cao khoảng 2m).
- Chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
- Chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam (100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ).

< Bộ tượng Tam Thế được đúc bằng đồng nguyên khối dát vàng, mỗi pho nặng 50 tấn.

Sự khác biệt cơ bản của chùa Bái Đính mới với các ngôi chùa Phật giáo khác ở Việt Nam là không xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân tại địa phương mà quần thể chùa Bái Đính mới (rộng 80 hecta) này "nằm trong tổng thể dự án xây dựng trung tâm du lịch văn hóa Tràng An" rộng gần 2.000 hecta do công ty TNHH Xuân Trường làm chủ đầu tư. Thời hạn đầu tư và chủ dự án chùa Bái Đính cùa công ty Xuân Trường là 70 năm.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh Ninh Bình giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư các hạng mục về giải phóng mặt bằng, đường giao thông, cơ sở hạ tầng, cây xanh còn doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là chủ đầu tư các hạng mục làm chùa, tạc tượng, đúc chuông. (Giấy chứng nhận đầu tư số 091110000011, ngày 10/4/2008 do UBND tỉnh Ninh Bình cấp cho DNXD Xuân Trường).

Theo Phạm Thị Thảo (The Saigon Times)
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment